Các tiêu chuẩn chất lượng cao như của Nhật Bản đã trở thành động lực thúc đẩy nông sản Việt Nam không ngừng cải tiến để đáp ứng kỳ vọng người tiêu dùng toàn cầu, đồng thời xây dựng thương hiệu vững mạnh cho nông sản Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Nhiều nhóm hàng chưa có cơ hội tiến sâu vào thị trường Nhật Bản
Đánh giá về tiềm năng của thị trường Nhật Bản, phát biểu tại hội thảo "Kết nối chuỗi cung ứng và đáp ứng thị trường”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Nhật Bản là nước công nghiệp phát triển, có nền nông nghiệp hiện đại và có nhiều lợi thế trong áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Mặc dù vậy, nông nghiệp Nhật Bản mới chỉ đáp ứng được trên 45% nhu cầu tiêu dùng trong nước và hàng năm vẫn phải nhập khẩu các mặt hàng nông sản. Đây được coi là lợi thế của Việt Nam để mở rộng xuất khẩu hàng hóa nông sản vào Nhật Bản.
Hiện nhóm hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản chỉ dừng lại ở 6 nhóm chính, trong khi một số mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam như gạo, chè, sản phẩm chăn nuôi vẫn chưa có cơ hội xuất khẩu và tiến sâu vào thị trường Nhật Bản. Tính chung giá trị xuất khẩu nông sản chỉ chiếm chưa tới 2% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nhật Bản. Như vậy, tiềm năng xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang Nhật Bản tương đối lớn.
Đồng thời, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các tiêu chuẩn chất lượng cao như của Nhật Bản đã trở thành động lực thúc đẩy nông sản Việt Nam không ngừng cải tiến để đáp ứng kỳ vọng người tiêu dùng toàn cầu, xây dựng thương hiệu vững mạnh cho nông sản Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Đáng chú ý, việc Việt Nam xây dựng một chuỗi cung ứng hiệu quả không chỉ tăng cường sự gắn kết giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà phân phối mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Để đạt được điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ việc ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, bảo quản, đến việc tối ưu hóa hệ thống logistics và tiếp cận thị trường.
Tạo dựng thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh
Đồng quan điểm, ông Ito Naoki, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ, Việt Nam và Nhật Bản đã có lịch sử 50 năm quan hệ ngoại giao và hợp tác đa lĩnh vực. Quy mô thị trường Nhật Bản lớn gấp 10 lần Việt Nam nhưng dân số tham gia sản xuất nông nghiệp lại ngày càng giảm và có xu hướng già hóa. Đây sẽ là cơ hội lớn để nông sản Việt Nam tiếp cận và xuất khẩu nông sản sang thị trường Nhật Bản. Ông Ito Naoki cũng tin rằng với sự trợ giúp của chuyên gia Nhật Bản, Việt Nam có thể trở thành cường quốc nông nghiệp.
Đặc biệt, ông Ito Naoki nhấn mạnh sẽ tăng cường các vấn đề hợp tác kỹ thuật, xúc tiến bán hàng, trong đó ông đánh giá cao việc Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Công ty TNHH Aeon Topvalu ký kết tiêu thụ để đưa ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và xu hướng thời đại mới. Theo đó, hiện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang triển khai hệ thống khuyến nông cộng đồng. Qua đây kỹ thuật sẽ được chuyển giao tới từng hộ sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hợp tác nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam - Nhật Bản sẽ hướng đến chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng mạng lưới kết nối, tạo dựng một hệ thống thông tin liên lạc hiệu quả giữa nông dân, nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng. Đồng thời, ứng dụng công nghệ trong sản xuất và phân phối nông sản, bao gồm việc sử dụng phần mềm quản lý chuỗi cung ứng, công nghệ blockchain để theo dõi sản phẩm từ nông trại đến tay người tiêu dùng, hay các ứng dụng di động để kết nối nông dân với thị trường.
Cùng với đó là việc đào tạo và nâng cao nhận thức cho nông dân về quy trình sản xuất hiện đại, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và cách thức tiêu thụ hiệu quả. Đồng thời tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản Việt Nam để nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh.
“Thông qua các giải pháp này, chúng ta có thể tăng cường sự kết nối trong chuỗi cung ứng nông sản, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường và phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam”, ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh.