| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam – Israel năm 2024: điểm sáng phát triển vượt bậc, tăng trưởng ngoạn mục trong bối cảnh thị trường đầy khó khăn do chiến tranh bất ổn

Năm 2024 là năm Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Israel (VIFTA) được Chính phủ hai bên phê duyệt và đưa vào có hiệu lực thực thi trong thực tế. Trước đó, hiệp định VIFTA đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Nir Barkat đại diện cho hai Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Israel chính thức ky kết vào ngày 25⁄7⁄2023, sau 7 năm với 12 Phiên đàm phán liên tục.

Về trao đổi thương mại hàng hóa, theo số liệu thống kê mới nhất, trong 10 tháng đầu năm 2024, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Israel đạt 2,578 tỷ USD, tăng 12,92%; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Israel đạt 676 triệu USD, tăng 23,4%, và nhập khẩu từ thị trường này đạt 1,902 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023. Dự kiến, nếu tình hình thị trường không có biến động đột xuất, trao đổi thương mại song phương trong cả năm 2024 có thể đạt trên 3,10 tỷ USD và vượt mục tiêu 3,0 tỷ USD đặt ra tại Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ giữa hai nước tổ chức tại Hà Nội vào ngày 16/8/2023; trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt trên 850 triệu USD, ước tăng 34,71% so với năm 2023, và nhập khẩu từ Israel đạt khoảng 2,25 tỷ USD.

Với dung lượng thị trường khiêm tốn, quy mô dân số chưa đến 10 triệu người, có khả năng thanh toán cao, tính đến nay, Israel là đối tác thương mại lớn thứ 3 (sau Cô-oét, UAE), là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 (sau UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-út) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 (sau Cô-oét) tại khu vực Tây Á (Trung Đông). Ngược lại, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Israel ở khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước có tính chất bổ sung cho nhau, những mặt hàng Israel cần nhập khẩu cũng là những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam và ngược lại.

Về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, hiện có khoảng 70 diện mặt hàng được xuất khẩu sang Israel, trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có mức tăng trưởng cao trong 10 tháng đầu năm nay gồm: Điện thoại và linh kiện các loại đạt 218,1 triệu USD, tăng 24,5%; thủy sản đạt 89,6 triệu USD, tăng 41,4%; giày dép các loại đạt 56,7 triệu USD, tăng 8,3%; hạt điều đạt 53,6 triệu USD, tăng 25,2%; hàng dệt may đạt 33,7 triệu USD, tăng 38,8%, cà phê đạt 26,8 triệu USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, thủy hải sản là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang Israel và đã có chỗ đứng ổn định tại thị trường này, được người tiêu dùng Israel đánh giá cao và ưa chuộng. Trong thực tế, Israel là thị trường xuất khẩu thủy hải sản lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Tây Á (Trung Đông) và đứng thứ 16 trong danh sách hơn 100 thị trường xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam, tính đến hết tháng 10/2024. Những năm qua, xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam sang Israel đạt kim ngạch khoảng 90 triệu USD/năm và con số này tiếp tục có xu hướng gia tăng do nhu cầu nhập khẩu của Israel ngày càng nhiều đối với mặt hàng này để đáp ứng tiêu dùng của người dân ở trong nước (bao gồm các nhóm tiêu dùng khác nhau như người Do Thái, người Ả-rập, người lao động nước ngoài gốc châu Phi và gốc châu Á). Theo Cơ quan quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế Israel cho biết, xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam sang Israel hàng năm chiếm khoảng 12-13% tổng kim ngạch nhập khẩu thủy hải sản của Israel và triển vọng tăng trưởng nhập khẩu đối với nhóm hàng thủy sản là khá lớn trong thời gian tới.

Các mặt hàng thủy hải sản cụ thể của Việt Nam xuất khẩu sang Israel bao gồm: cá ngừ đóng hộp, tôm đông lạnh (tôm sú và các loại tôm khác qua chế biến, bóc vỏ, hấp chín), mực đông lạnh, cá tra, cá basa, cá diêu hồng, một số loại cá có vảy khác… Trong 10 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cá ngừ sang Israel đạt 56,7 triệu USD, tăng 55,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 6,91% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của cả nước; Israel thuộc nhóm Top 5 thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam (đứng thứ 2, sau Mỹ, đối với cá ngừ mã HS16, và đứng thứ 4, sau Mỹ, Nga, Canada, đối với cá ngừ mã HS03); nhìn chung, hàng năm, Israel luôn là thị trường xuất khẩu cá ngừ thuộc Top 10 thị trường lớn nhất của Việt Nam. Trong khi đó, xuất khẩu tôm đông lạnh đạt 17,93 triệu USD, tăng 36,0% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm tỷ trọng 0,56% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước. Xuất khẩu mực đông lạnh đạt 7,08 triệu USD, tăng 36,6% so với cùng kỳ năm trước đó và chiếm tỷ trọng 1,34% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước; Israel đứng thứ 7 (sau Trung quốc&Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ và Malaysia), trong số 10 thị trường xuất khẩu mực đông lạnh lớn nhất của Việt Nam. Xuất khẩu cá tra đạt 5,93 triệu USD, tăng 42,2% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm tỷ trọng 0,35% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của nước ta.

Ngoài thủy hải sản như nói ở trên, xuất khẩu các mặt hàng chủ yếu khác trong 10 tháng đầu năm nay như điện thoại di động, giày dép các loại, hạt điều, hàng dệt may, cà phê cũng có mức tăng trưởng mạnh mẽ và đây cũng là những mặt hàng được người tiêu dùng ở Israel tin dùng. Israel đang đẩy mạnh việc tìm kiếm các nguồn cung ứng từ các thị trường khác, trong đó có Việt Nam, để thay thế cho nguồn bị đứt gãy từ Thổ Nhĩ Kỳ. Các doanh nghiệp Israel đang tích cực quan tâm tới tìm kiếm bạn hàng và các nhà sản xuất Việt Nam để tăng cường nhập khẩu đối với các nhóm mặt hàng như: lương thực thực phẩm và nông sản (gạo, mỳ, cơm dừa, cá ngừ đóng hộp, nước chấm/sốt, hoa quả đóng hộp và sấy khô, nước giải khát các loại, bánh kẹo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, gia vị, tôm, cá, mực, cá đóng hộp...….), hàng gia dụng và tiêu dùng (quần áo, giày dép, đồ thể thao, sản phẩm nhựa, thiết bị gia đình, dây cáp điện, sản phẩm nhựa và chất dẻo, cao su và các sản phẩm liên quan đến cao su…), hàng thiết bị điện tử (máy hút bụi, điều hòa nhiệt độ…), vật liệu xây dựng (sắt thép, gạch ốp lát, ván lát sàn, thiết bị vệ sinh, bồn cầu, bồn tắm, chậu rửa, ống nước, vòi nước, máy móc và thiết bị điện, sản phẩm thủy tinh các loại, xi măng, thạch cao, kính xây dựng, đá ốp marble và granite…) để đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng ở trong nước.

Thương vụ Việt Nam tại Israel đã tổng hợp chi tiết bài phân tích về thị trường này, doanh nghiệp quan tâm, xem tại file đính kèm.

 

Tin-ve-hop-tac-kinh-te-thuong-mai-Viet-Nam-Israel-nam-2024-docx.pdf

Thương vụ Việt Nam tại Israel

Nội dung liên quan