| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Giới thiệu ngành cà phê Uganda

Theo xếp hạng của Tổ chức cà phê thế giới, trong năm 2011, Uganda là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 9 của thế giới và lớn nhất  Châu Phi. Ngành cà phê tại quốc gia Đông Phi nàyđóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế khi tạo việc làm cho khoảng 3.5 triệu hộ gia đình và mang về từ 20-30% ngoại tệ xuất khẩu mỗi năm cho Quốc gia này.

 

Sản xuất

Tại Uganda, hiện có khoảng 500.000 hộ nông dân tham gia sản xuất cà phê trực tiếp, trong đó 90% hộ nông dân có diện tích trồng cà phê từ 0.5-2.5 ha/hộ. Cà phê của Uganda chủ yếu được trồng xen kẽ với các cây trồng khác như chuối, đậu, các cây bóng râm để đảm bảo hiệu quả kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích canh tác. Việc sử dụng các hóa chất như phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm, cỏ rất hạn chế trong canh tác cà phê.   

Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khá thuận lợi và lượng mưa trung bình hàng năm tương đối cao từ 1500-2.300 mm, Uganda trồng cả 02 loại cà phê Arabica và Robusta tuy nhiên cà phê Robusta vẫn được trồng phổ biến với tỉ lệ 01 Arabica: 04 Robusta. Tổng diện tích đất trồng cà phê của Uganda hiện vào khoảng hơn 500.000 ha. Cà phê Robusta được trồng tại các khu vực có độ cao thấp dưới 1200m so với mực nước biển thuộc miền trung, phía đông, phía tây và đông nam, chủ yếu là các giống Nganga và Erecta và chiếm tới 85-90% lượng cà phê xuất khẩu của Uganda. Trong khi đó cà phê Arabica được trồng tại các vùng có độ cao từ 1500-2300m so với mực nước biển  tại các sườn núi Elgon ở phía Đông, núi Rwenzori và Muhabura tại khu vực Tây Nam với các giống chính là SL14, SL28, KP162, KP 423 và giống cà phê địa phương Bugisu.

Niên vụ thu hoạch cà phê của Uganda bắt đầu từ tháng 10 và kéo dài tới tháng 9 năm sau. Thời vụ thu hoạch cũng rất khác nhau tùy thuộc vào từng vùng khí hậu và độ cao. Ở khu vực phía tây, cà phê được thu hoạch từ tháng 8 đến tháng 11 và từ tháng 3 đến tháng 4; Phần lớn cà phê robusta được thu hoạch từ tháng 10 tới tháng 2 và từ tháng 5 tới tháng 6.    

Nhằm phát triển cây cà phê, Chính phủ Uganda đã có chính sách thay thế các cây cà phê già cỗi, bị sâu bệnh bằng các giống cà phê không có sâu bệnh, có năng suất, sản lượng cao với tỉ lệ 5%/năm đối với cà phê Robusta và 2%/năm đối với cà phê Arabica trong vòng 20 năm tới.    

Xuất khẩu

Trong năm 2011, Uganda đã xuất khẩu 3,14 triệu bao (60 kg/bao) cà phê, được xếp hạng như một nước xuất khẩu lớn thứ 9 thế giới. Hạt robusta được sử dụng trong cà phê uống ngay và cà phê espressos, chiếm khoảng 85% sản lượng xuất khẩu hàng năm của quốc gia này.

Hiện nay có khoảng 28 công ty tham gia vào các hoạt động xuất khẩu cà phê, trong đó 10 công ty hàng đầu xuất khẩu khẩu cà phê của nước này chiếm tới 80% sản lượng xuất khẩu cà phê của cả nước. Ugacof Ltd, hiện là công ty xuất khẩu cà phê lớn nhất với thị phần chiếm khoảng 16%, tiếp đó Kyagalanyi Coffee Ltd 15% và Olam (U) Ltd 10%.

Thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Uganda hiện nay là EU chiếm khoảng 62% lượng cà phê xuất khẩu, tiếp đó là Mỹ 6%, Ecuador 4,4%.

Một số thách thức đối với ngành cà phê        

- Hầu hết các cây cà phê của Uganda đã được trồng cách đây trên 50 năm (trong khi tuổi đời khai thác của cây cà phê tối đa là 40 năm) do đó không còn hiệu quả kinh tế. 

- Cây cà phê già cỗi cùng với kỹ thuật canh tác kém, đất bị bạc màu đã khiến cho năng suất cà phê trên một đơn vị diện tích thấp, chất lượng giảm sút. Tính bình quân năng suất chỉ đạt 500kg/ha và 750 kg/ha đối với cà phê Robusta và Arabica.

- Số lượng người lao động tham gia trồng cà phê ngày càng gia tăng trong khi họ ít được đào tạo về kỹ năng trồng và chăm sóc cây cà phê. Ngoài ra, khả năng kiểm soát sự lây lan của căn bệnh héo úa rất hạn chế.

- Do sự biến động của giá cà phê đã khiến cho nhiều nông dân trồng cà phê Uganda nản lòng và đã từ bỏ trồng cà phê để chuyển sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế ổn định hơn. 

 

Vụ Châu Phi Tây Á Nam Á

Nội dung liên quan