| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Báo cáo tổng quan tình hình xuất nhập khẩu dệt may Đài Loan năm 2024

Báo cáo tổng quan tình hình xuất nhập khẩu dệt may Đài Loan năm 2024 được Thương vụ, Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tổng hợp dựa trên báo cáo của Hiệp hội Dệt may Đài Loan.

Thống kê của hải quan Đài Loan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Đài Loan sang Việt Nam năm 2024 đạt 1,894 tỷ USD (Ảnh minh họa)

Theo số liệu thống kê thương mại xuất nhập khẩu của Hải quan Đài Loan, trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2024 (năm 113), tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Đài Loan đạt 475,073 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023 (năm 112); tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 394,465 tỷ USD, tăng 12%; thặng dư thương mại đạt 80,608 tỷ USD, giảm nhẹ 0,2%.

Về thương mại ngành dệt may, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Đài Loan đạt 6,735 tỷ USD, chiếm 1,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (475,073 tỷ USD), tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu đạt 1,126,200 tấn, giảm 4%; trong khi đó, đơn giá xuất khẩu bình quân tăng 6%.

Xét theo giá trị xuất khẩu, mặt hàng xuất khẩu chính là vải với kim ngạch đạt 4,777 tỷ USD, chiếm 71% tổng giá trị xuất khẩu dệt may, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu vải đạt 496.300 tấn, giảm 2%, trong khi đơn giá xuất khẩu tăng 4%. Tiếp theo là sợi (14%), các sản phẩm dệt may khác (5%), xơ sợi (5%) và quần áo & phụ kiện thời trang (5%). Trong năm, xuất khẩu vải tăng 2%, sợi tăng 5%, các sản phẩm dệt may khác tăng 3%, quần áo & phụ kiện thời trang tăng 3%, riêng xơ sợi giảm 12%.

Về thị trường xuất khẩu, năm nước và khu vực xuất khẩu dệt may hàng đầu của Đài Loan là Việt Nam, Trung Quốc đại lục, Hoa Kỳ, Indonesia và Campuchia, tổng cộng chiếm 61% giá trị xuất khẩu. Trong các thị trường xuất khẩu này, mặt hàng chủ lực đều là vải, trong đó xuất khẩu sang Việt Nam có giá trị lớn nhất, còn Campuchia chiếm tỷ trọng cao nhất. Thống kê của hải quan Đài Loan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Đài Loan sang Việt Nam năm 2024 đạt 1,894 tỷ USD, chiếm 28% tổng giá trị xuất khẩu dệt may, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong số 5 thị trường xuất khẩu dệt may hàng đầu của Đài Loan, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu đều là vải. Trong đó, giá trị xuất khẩu vải lớn nhất là sang Việt Nam, đạt 1,575 tỷ USD, còn tỷ trọng xuất khẩu vải cao nhất là sang Campuchia, chiếm tới 95% tổng kim ngạch dệt may xuất khẩu sang thị trường này.

Về nhập khẩu, năm 2024, tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may của Đài Loan đạt 3,654 tỷ USD, chiếm 1% tổng kim ngạch nhập khẩu toàn quốc (394,465 tỷ USD), giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng nhập khẩu đạt 494.400 tấn, giảm 1%; trong khi đó, đơn giá nhập khẩu tăng 1%.

Về mặt hàng dệt may nhập khẩu chính,  nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất là quần áo & phụ kiện thời trang với kim ngạch đạt 2,209 tỷ USD, chiếm 61% tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may, tăng nhẹ 0,2% so với năm 2023; tiếp theo là các sản phẩm dệt may khác (tỷ trọng 14%), tăng 9%; vải (tỷ trọng 11%), tăng 2%; sợi (tỷ trọng 9%), tăng 9%; và xơ sợi (tỷ trọng 5%), giảm mạnh 31%.

Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc đại lục là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Đài Loan với kim ngạch đạt 1,593 tỷ USD, chiếm 44% tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023.Việt Nam hiện là đối tác cung ứng hàng dệt may lớn thứ hai cho Đài Loan trong năm 2024, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Hoa Kỳ, chiếm tổng cộng 79% kim ngạch nhập khẩu.

Trong số 5 đối tác xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Đài Loan, Trung Quốc đại lục, Việt Nam, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đều chủ yếu xuất khẩu quần áo và sản phẩm thời trang sang Đài Loan. Riêng Hoa Kỳ lại chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm dệt may khác, chiếm 42% tổng kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này.

Về cán cân thương mại ngành dệt may Đài Loan, năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu dệt may của Đài Loan đạt 6,615 tỷ USD, trong khi nhập khẩu là 3,652 tỷ USD, tạo ra thặng dư thương mại ở mức 2,963 tỷ USD, giảm 1,93 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022, tương ứng mức sụt giảm 39%. Thặng dư thương mại của ngành dệt may đứng thứ tư trong các ngành tạo nguồn ngoại tệ cho Đài Loan, chỉ sau các ngành: Máy móc và thiết bị điện – điện tử; Nhựa, cao su và các sản phẩm liên quan; Kim loại cơ bản và sản phẩm từ kim loại. Trong khi đó, năm 2024, ngành dệt may Đài Loan ghi nhận, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 6,735 tỷ USD, tổng kim ngạch nhập khẩu là 3,654 tỷ USD, như vậy Đài Loan có thặng dư thương mại ngành dệt may đạt 3,081 tỷ USD, tăng 106 triệu USD so với cùng kỳ năm trước, tương ứng mức tăng trưởng 4%.

Về triển vọng, tình hình địa chính trị quốc tế và chính sách kinh tế thương mại của chính quyền mới tại Hoa Kỳ vẫn còn nhiều bất ổn. Tuy nhiên, với áp lực lạm phát toàn cầu giảm bớt và các quốc gia lớn tiếp tục xu hướng giảm lãi suất, khối lượng thương mại thế giới được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ổn định. Đối với ngành dệt may, thị trường Hoa Kỳ được hưởng lợi nhờ nhu cầu tiêu dùng mạnh vào cuối năm, nhu cầu bổ sung hàng tồn kho, cùng với nhu cầu gia tăng từ khu vực ASEAN đã thúc đẩy hoạt động sản xuất và đầu tư nguyên vật liệu. Ngoài ra, việc một số sản phẩm bắt đầu được giao hàng vào tháng 12, cùng với những lo ngại về khả năng tái diễn căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đã khiến các thương hiệu quốc tế gia tăng nhu cầu mua hàng. Nhờ đó, đơn hàng xuất khẩu và năng lực sản xuất đều tăng trưởng, giúp tổng đơn hàng xuất khẩu trong năm 2024 đạt mức tăng trưởng dương. Dự kiến trong quý I năm 2025, xuất khẩu dệt may của Đài Loan sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định.

Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc (Trung Quốc)

Nội dung liên quan