Hiệp định EVFTA là một FTA thế hệ mới, với những cam kết sâu hơn và bao trùm nhiều lĩnh vực, trong đó nâng cao việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là một nội dung quan trọng mà các quốc gia thành viên phải nghiêm túc thực thi.
Để tránh những rủi ro trong dài hạn cũng như có những điều chỉnh phù hợp, tận dụng được những cơ hội do EVFTA mang lại, việc nhận diện những thách thức đối với việc thực thi quyền SHTT của Việt Nam là hết sức cần thiết.
Do đó, tìm hiểu về “Các cam kết, quy định về SHTT trong Hiệp định EVFTA và FTA thế hệ mới” là một trong những chủ đề được quan tâm nằm trong Chương trình đào tạo xây dựng đội ngũ chuyên gia về Hiệp định EVFTA và các Hiệp định FTA thế hệ mới do Bộ Công Thương tổ chức từ ngày 17-21/9/2024.
Bà Đỗ Thị Hạnh - Trưởng phòng Pháp chế và Chính sách
Tham gia Khóa đào tạo với vai trò Báo cáo viên, bà Đỗ Thị Hạnh - Trưởng phòng Pháp chế và Chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã chia sẻ với các học viên về vấn đề bảo hộ quyền SHTT tại Việt Nam theo Hiệp định EVFTA và các FTA thế hệ mới, một số điều doanh nghiệp cần lưu ý; Bảo hộ quyền SHTT tại một số thị trường nước ngoài mà Việt Nam đã ký FTA; Tình hình thực thi các cam kết SHTT của Việt Nam trong EVFTA và các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên; Các vấn đề thường gặp và cách thức xử lý đối với các vấn đề phát sinh liên quan tới SHTT tại Việt Nam…
Chế định về SHTT là một trong những khía cạnh cam kết của EVFTA được cho là sẽ có tác động lớn và trực tiếp tới thể chế pháp luật và thực thi của Việt Nam. Đây là chế định tập hợp các nguyên tắc, yêu cầu về các tiêu chuẩn bảo hộ cũng như thực thi việc bảo hộ các quyền SHTT.
EU là khu vực xuất khẩu các sản phẩm SHTT hàng đầu thế giới, do đó có nhu cầu tăng cường bảo hộ các quyền SHTT. EU đồng thời cũng có chế độ bảo hộ đặc thù đối với chỉ dẫn địa lý (CDĐL) và rất chú trọng việc bảo hộ loại quyền SHTT này. Là một nước đang phát triển, chỉ sở hữu một số lượng rất ít các sản phẩm SHTT so với đối tác EU, Việt Nam rất cần không gian cho phép các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp cận các sản phẩm SHTT phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế, khoa học, xã hội với chi phí thấp nhất có thể.
Việc nhận diện những thách thức đối với thực thi quyền SHTT có vai trò quan trọng
Vấn đề SHTT, đặc biệt là CDĐL, được đánh giá là một trong những vấn đề khó đàm phán nhất trong EVFTA và Chương 12 - SHTT của Hiệp định này quy định về SHTT với nhiều cam kết về tiêu chuẩn bảo hộ SHTT cũng là một trong những chương có dung lượng lớn nhất trong toàn bộ nội dung của Hiệp định.
Trong EVFTA, Chương 12 về SHTT gồm 63 Điều. Phần Phụ lục được chia thành: 12-A về Danh sách CDĐL và 12-B nói về Nhóm sản phẩm. Trong đó, về danh mục bảo hộ, Việt Nam công nhận và bảo hộ 169 CDĐL của EU (chủ yếu là rượu và thực phẩm); EU công nhận và bảo hộ 39 CDĐL của Việt Nam (chủ yếu là nông sản, thực phẩm nổi tiếng có tiềm năng xuất khẩu cao như trà Mộc Châu, cà phê Buôn Ma Thuột…).
Về mức độ bảo hộ trong EVFTA, bà Đỗ Thị Hạnh cho biết, hai Bên sẽ dành cho các CDĐL trong Danh mục mức độ bảo hộ cao mà Luật SHTT của Việt Nam dành cho caccs CDĐL sử dụng cho rượu vang và rượu mạnh. Việc sửa đổi Danh mục, đặc biệt là bổ sung CDĐL chỉ được thực hiện theo thủ tục sửa đổi Hiệp định EVFTA. Không có nghĩa vụ phải bảo hộ những CDĐL bị chấm dứt bảo hộ ở Bên xuất xứ, phải thông báo khi có CDĐL trong danh mục không còn được bảo hộ ở nước xuất xứ.
Theo bà Đỗ Thị Hạnh, quy định ngoại lệ cho 05 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ trong Danh mục 12-A, trong đó: 04 CDĐL về pho-mat của EU (“Asiago”, “Fontina”, "Gorgonzola" và “Feta”) đang được sử dụng như tên gọi chung của pho-mát ở một số nước; 01 CDĐL về rượu của EU (“Champagne”) đang được sử dụng như tên gọi chung của rượu sâm-panh (vang sủi bọt). Các ngoại lệ bên trong Hiệp định EVFTA không được tích hợp vào Hiệp định UKVFTA.
Lưu ý chung đối với doanh nghiệp, bà Đỗ Thị Hạnh cho rằng, về cơ bản, việc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam cũng đã đáp ứng việc tuân thủ cam kết SHTT trong các FTA mà Việt Nam tham gia. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu nội dung của các các kết về SHTT trong các FTA mà Việt Nam tham gia nhằm đảm bảo không gặp phải những trở ngại trong hoạt động kinh doanh, nhất là khi có liên quan đến các thị trường này. Đồng thời, nắm bắt được xu thế về bảo hộ quyền SHTT đang diễn ra trên thế giới, từ đó dự đoán được những thay đổi về chính sách có thể tác động đến lĩnh vực SHTT nói chung và hoạt động kinh doanh của mình nói riêng.
Theo EVFTA, các chính sách, quy định liên quan tới SHTT phải được minh bạch. Vì vậy, các quy định của pháp luật, các thủ tục, quy trình, quyết định liên quan đến xác lập và thực thi quyền SHTT… phải được công bố trên Internet.
Báo cáo viên đến từ Cục Sở hữu trí tuệ cũng đề nghị nên tìm hiểu pháp luật về SHTT của thị trường mà mình đang dự định tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc dự định xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ.
Đối với cam kết về CDĐL trong EVFTA, bà Đỗ Thị Hạnh lưu ý doanh nghiệp, việc bảo hộ 4 CDĐL về pho-mát của EU (“Asiago”, “Fontina”, "Gorgonzola" và “Feta”) không cản trở các doanh nghiệp bất kỳ được tiếp tục sử dụng các tên gọi này trên thị trường Việt Nam cho sản phẩm pho-mát nếu các doanh nghiệp này đã kinh doanh thực thụ sản phẩm pho-mát có tên gọi “Asiago”, “Fontina”, "Gorgonzola" và “Feta” trước ngày 01/01/2017 tại Việt Nam.
Tên gọi “Champagne” dùng cho rượu vang sủi bọt (lâu nay vẫn được gọi chung là rượu sâm-panh) được tiếp tục sử dụng trong vòng 10 năm kể từ ngày Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Sau 10 năm phải sử dụng tên khác cho sản phẩm vang sủi bọt mà lâu nay vẫn được gọi là rượu sâm-panh đưa ra thị trường Việt Nam.