Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, sau 4 năm thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt hơn 200 tỷ USD, tăng trưởng từ 12% - 15%⁄năm.
Theo ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong ASEAN. Đặc biệt, một số sản phẩm thế mạnh của nước ta như điện tử, dệt may, giày dép, nông sản…đang xuất khẩu chủ yếu sang thị trường tiềm năng này.
Tuy nhiên, cái khó tại thị trường EU mà doanh nghiệp Việt phải đối mặt chính là sự thay đổi thường xuyên của các quy định, tiêu chuẩn. Thời gian gần đây, một số mặt hàng bị ảnh hưởng bởi các quy định quy trình mới về nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào EU gồm gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành, gỗ...
Liên quan đến nội dung này, ông Đinh Sỹ Minh Lăng- Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ (Bộ Công Thương) đã chỉ ra một vài đơn cử như:
Tháng 05/2024, EU ban hành quy định quy trình mới về nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài. Theo đó, từ ngày 3/6/2024, tất cả doanh nghiệp có liên quan tới hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam vào EU đều phải khai báo dữ liệu trước khi hàng đến vào Hệ thống kiểm soát hàng hóa nhập khẩu (ICS2). Cần nói thêm, tuân thủ hệ thống ICS2 là bắt buộc đối với tất cả các lô hàng quá cảnh qua bất kỳ quốc gia EU nào ngay cả khi điểm đến cuối cùng không phải là một phần của EU. Nếu các bên giao dịch chưa chuẩn bị sẵn sàng và không cung cấp dữ liệu theo yêu cầu của ICS2, hàng hóa của họ sẽ bị dừng ở biên giới EU và không được cơ quan Hải quan thông quan. Với quy định này, nếu doanh nghiệp Việt Nam không nắm được sẽ phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng khi các containers và lô hàng sẽ bị dừng tại biên giới với EU; hàng hoá sẽ không được thông quan bởi hải quan EU; hoặc các tờ khai không đầy đủ hoặc bị từ chối hoặc sẽ bị cấm vận vì không tuân thủ quy định của EU.
Một quy định khác khá phổ biến mà doanh nghiệp không thể bỏ qua khi xuất khẩu vào EU là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) mà EU thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10/2024 và thực hiện đầy đủ từ năm 2026. EU đang triển khai kế hoạch nhằm đạt được mục tiêu trở thành lục địa trung hòa khí carbon vào năm 2050.
Do đó, để đẩy mạnh xuất khẩu sang EU, ông Đinh Sỹ Minh Lăng khuyến nghị doanh nghiệp chọn con đường chính ngạch nhằm nâng cao uy tín của doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam với tính pháp lý rõ ràng, rủi ro thấp hơn và có thể tiếp cận được nhiều thị trường lớn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp thường xuyên cập nhật các quy định mới về thị trường này, thông qua các webiste uy tín, và cần nghiên cứu, xác định thị trường mục tiêu, tiêu chuẩn, quy định riêng của thị trường ngoài tiêu chuẩn chung của khối EU, từ đó lựa chọn tiêu chuẩn phù hợp với sản phẩm và chất lượng, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn đã chọn, đào tạo nhân viên….