Chè là một trong các loại đồ uống phổ biến nhất, được tiêu dùng bởi tất cả các tầng lớp xã hội ở khắp các vùng miền của đất nước Kim tự tháp. Người Ai Cập chủ yếu ưa chuộng chè đen với hai loại chè phổ biến là Koshary (được dùng nhiều tại phía Bắc Ai Cập) và Saiidi (được ưa chuộng nhiều tại phía Nam Ai Cập). Ngoài ra, người dân Ai Cập cũng thích uống chè dược thảo (herbal tea) vì loại chè này có lợi cho sức khỏe. Chè xanh đã xuất hiện tại thị trường Ai Cập nhưng chưa được ưa chuộng nhiều
Ai Cập không trồng chè và nguồn cung phải dựa hoàn toàn vào nhập khẩu. Với số dân 90 triệu người, Ai Cập hàng năm nhập khẩu khoảng 115.000 tấn chè với kim ngạch nhập khẩu là 350 triệu USD trong năm 2015. Nhu cầu tiêu dung chè tại hàng năm ước tính tăng khoảng 2-3% xuất phát từ việc dân số gia tăng.
Hiện nay lượng chè đen nhập khẩu của Ai Cập chiếm tới 99% tổng kim ngạch nhập khẩu chè và một phần nhỏ còn lại là chè xanh. Các thị trường nhập khẩu chè chính của Ai Cập là Kenya (chiếm 90%), Ấn Độ (3,6%) và Srilanka (2,7%). Mức thuế nhập khẩu chè hiện nay từ các nước của Ai Cập là 2%. Tuy nhiên, Ai Cập và Kenya đều là thành viên của khối thị trường chung Đông và Nam Phi (COMESA) nên chè nhập khẩu từ Kenya được hưởng mức thuế suất ưu đãi 0%. Đây là một lợi thế rất lớn cho chè của Kenya bên cạnh một yếu tố gia tăng sức cạnh tranh khác đó là khoảng cách địa lý khá thuận lợi.
Mặt hàng chè của Việt Nam đã vào thị trường Ai Cập tuy nhiên với số lượng vẫn còn khiêm tốn với kim ngạch năm 2015 đạt 1,69 triệu USD, tăng 122,3% so với năm 2014. Theo đánh giá sơ bộ của các nhà nhập khẩu Ai Cập, chất lượng chè Việt Nam chỉ ở mức trung bình, giá cả chưa có sự cạnh tranh cao. Để có thể thâm nhập mạnh hơn nữa vào thị trường tiêu thụ chè lớn này, Hiệp hội và các doanh nghiệp chè cần có các định hướng rõ ràng hơn, quan tâm tới việc xác lập phân khúc thị trường cũng như các chủng loại mặt hàng phù hợp với thói quen tiêu dùng của người dân Ai Cập. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể liên doanh với các doanh nghiệp Ai Cập trong khâu chế biến và đóng gói nhằm hạ giá thành sản phẩm, tăng lượng tiêu thụ.