| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Cảnh báo sớm phòng vệ thương mại: Giữ lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam

Theo Báo cáo thống kê, tính đến nay, hàng hóa của Việt Nam đã đối diện với 235 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) tại 24 thị trường xuất khẩu. Số lượng vụ việc được thống kê từ năm 2017 đến nay chiếm tới trên 52% tổng số vụ việc, cho thấy xu hướng gia tăng rõ rệt.

Đó là thông tin được nêu ra tại Tọa đàm “Cảnh báo sớm PVTM: Giữ lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam” vừa được Tạp chí Công Thương tổ chức mới đây.

Tọa đàm “Cảnh báo sớm PVTM: Giữ lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam”

Theo đó, số lượng các mặt hàng và lĩnh vực, ngành hàng Việt Nam bị kiện PVTM cũng đã mở rộng, lên tới gần 40 mặt hàng, trong đó có những mặt hàng có kim ngạch không quá lớn.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 1/3/2020 phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về PVTM (Đề án 316), nhằm cảnh báo trước những mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị nước ngoài điều tra PVTM nhằm giúp các doanh nghiệp có sự chuẩn bị trước, giúp các cơ quan chức năng thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm.

Hệ thống cảnh báo sớm có vai trò quan trọng

Hệ thống cảnh báo sớm về PVTM hiện đang theo dõi khoảng 170 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường.

Chia sẻ về cơ chế hoạt động của hệ thống cảnh báo sớm, ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương) cho biết, trong quá trình này, việc đầu tiên là cơ quan quản lý sẽ quan sát, theo dõi toàn bộ hoạt động trao đổi thương mại giữa các nước trên thế giới đã phát sinh những vụ việc điều tra PVTM nào, với những ngành hàng nào.

Trên cơ sở đó, thu hẹp phạm vi và theo dõi, đánh giá xem trong số đó, những mặt hàng, sản phẩm nào Việt Nam đang xuất khẩu, hoạt động xuất khẩu mặt hàng đó của ta có đang tăng trưởng nhanh, có kim ngạch lớn và có thị phần đáng kể tại thị trường nhập khẩu không? Từ tốc độ tăng trưởng và thị phần đó sẽ suy ra được sức ép cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đối với các sản phẩm tương tự tại thị trường nhập khẩu đang tăng lên; trong khi những ngành hàng, sản phẩm đó đã từng phải sử dụng đến biện pháp PVTM đối với nước khác. Khi đó thị trường nhập khẩu sẽ viện dẫn ra sức ép cạnh tranh của hàng hóa từ Việt Nam để một lần nữa sử dụng công cụ PVTM nhằm đối phó với hàng hóa xuất khẩu của ta.

Bên cạnh việc thu thập và phân tích các dữ liệu thông tin này, hệ thống cảnh báo sớm cũng dựa thêm vào những nguồn thông tin khác, như thông tin gửi về từ hệ thống hơn 60 thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và các đối tác, tổ chức làm trong lĩnh vực PVTM,… liên quan đến nguy cơ, khả năng xảy ra điều tra PVTM, những xung đột giữa hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam với hàng hóa tại thị trường sở tại.

Những thông tin này được tổng hợp và đánh giá dựa trên những tiêu chí nhất định để đưa ra danh sách cảnh báo định kỳ về những mặt hàng có nguy cơ bị tiến hành điều tra PVTM, thông báo cho các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước để có sự chuẩn bị trước về tâm thế, nguồn lực, giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Cũng theo ông Chu Thắng Trung, đến nay, có những mặt hàng sau khi được đưa vào danh sách cảnh báo một thời gian thì nước nhập khẩu đã tiến hành các cuộc điều tra PVTM đối với sản phẩm đó trong thực tế.

Trong một số vụ việc điều tra chống lẩn tránh, với sự tham gia tích cực và chủ động, nhiều doanh nghiệp đã được hưởng cơ chế tự chứng nhận, tự xác nhận, nhờ đó về cơ bản xuất khẩu của doanh nghiệp sang thị trường mục tiêu đó không bị ảnh hưởng nhiều. Trong một số vụ việc khác doanh nghiệp Việt Nam cũng được hưởng mức thuế rất thấp và thậm chí là không bị áp thuế nhờ hợp tác tốt trong quá trình điều tra.

“Tất cả những điều đó thể hiện hiệu quả tích cực của hệ thống cảnh báo sớm mà chúng ta đã xây dựng. Đây cũng là những tín hiệu rất đáng khích lệ để chúng tôi tiếp tục hoàn thiện hệ thống này”, Lãnh đạo Cục PVTM chia sẻ.

Doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với các biện pháp PVTM

Bà Nguyễn Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, kiện PVTM là một quy trình pháp lý, đấu tranh về mặt kỹ thuật rất phức tạp, khó khăn cho doanh nghiệp về nhiều yếu tố. Thực tế cho thấy, trong phần lớn các trường hợp mà Việt Nam kháng kiện chưa hiệu quả thì xuất phát là do ta ở thế bị động, thời gian chuẩn bị quá ít và bị bất ngờ trong việc ứng phó với những vụ kiện.

“Cơ chế cảnh báo sớm cho phép chúng ta nhìn thấy nguy cơ từ xa để chuẩn bị từ sớm và rõ ràng là nó đã giúp chúng ta giải quyết được một vấn đề mà phần lớn các doanh nghiệp gặp phải là không có đủ thời gian”, bà Nguyễn Thu Trang khẳng định cơ chế cảnh báo sớm có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp cũng như các hiệp hội trong ứng phó hiệu quả với các biện pháp PVTM.

Hệ thống cảnh báo sớm PVTM giúp doanh nghiệp sớm nắm bắt thông tin về PVTM

Đặc biệt, bên cạnh giúp giảm thiểu thiệt hại và tác động của việc bị điều tra PVTM, việc cảnh báo sớm có thể giúp doanh nghiệp có sự điều chỉnh thích hợp về chiến lược sản xuất kinh doanh khi bắt đầu xuất hiện nguy cơ “vào tầm ngắm”, thông qua việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường, giảm bớt độ nóng, sức ép của việc gia tăng quá nhanh và mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang một thị trường cụ thể.

Đồng tình với quan điểm đó, ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng, hệ thống cảnh báo sớm đóng vai trò rất quan trọng. Bởi, thứ nhất, hệ thống này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tìm hiểu về các quy định pháp luật của Hoa Kỳ về PVTM sớm.

Thứ hai, cung cấp thêm thời gian để doanh nghiệp có thể chuẩn bị các nguồn lực cần thiết để ứng phó vụ kiện khi xảy ra. Trên thực tế, khi bị kiện, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đầu tư rất nhiều công sức và nguồn lực con người, thời gian và cả tài chính để tham gia trong suốt quá trình điều tra vụ việc - thông thường là khoảng 12 tháng.

Thứ ba, cung cấp thêm thời gian cho doanh nghiệp để có thể cung cấp, sắp xếp hồ sơ, giấy tờ, sổ sách và tài liệu, nhất là kế toán, giấy tờ xuất nhập khẩu để có thể kịp thời cung cấp tài liệu kiểm chứng cho cơ quan chức năng của Hoa Kỳ nếu bị kiện. Việc này sẽ tạo lợi thế chủ động cho doanh nghiệp ứng phó, khi thời gian mà cơ quan Hoa Kỳ yêu cầu cung cấp thông tin thường có thời hạn nhất định và các tài liệu cũng phải được gửi theo đúng định dạng, thông tin hay một số yếu tố cụ thể khác phải được đáp ứng. Trên thực tế, một số vụ việc trước đây, do chưa nắm được các quy định về giải trình, nên hồ sơ, tài liệu của các doanh nghiệp Việt Nam bị chậm, hoặc chưa đúng yêu cầu, dẫn đến việc cơ quan điều tra cho là ta chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo luật định.

Doanh nghiệp sớm nắm bắt được thông tin cảnh báo

Ở góc độ ngành hàng, ông Vũ Văn Phụ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhôm Việt Nam cho biết các doanh nghiệp ngành nhôm coi thông tin cảnh báo sớm là “tài sản đặc biệt mà ai biết sớm thì sẽ có lợi thế hơn”. Do vậy, thời gian qua, Hiệp hội đã liên tục cập nhật các thông tin của Cục PVTM, Trung tâm Cảnh báo sớm để nắm bắt được thông tin, phổ biến đến các doanh nghiệp trong ngành, qua đó các doanh nghiệp hoặc Hiệp hội sẽ tham vấn được các ý kiến và cách xử lý trong vụ việc PVTM.

Gần đây, Hiệp hội đã phối hợp với Cục PVTM tổ chức chương trình tập huấn cho các doanh nghiệp ngành nhôm để nâng cao hiểu biết về thương mại quốc tế, về cách xử trí trong PVTM khi bị các nước kiện hay áp thuế bán chống phá giá, qua đó các doanh nghiệp cũng hiểu sâu hơn về ứng phó trong các tình huống đó như thế nào và có các phương án điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình cho phù hợp, đặc biệt là cũng sẵn sàng để chuẩn bị các dữ liệu tham gia vào các vụ kiện đó, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp mình, của ngành hàng mình.

Dù vậy, bên cạnh việc chủ động trang bị đầy đủ các kiến thức về PVTM và sử dụng biện pháp PVTM như một công cụ để bảo vệ chính mình, các doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường và không phụ thuộc vào một thị trường truyền thống nào đó.

“Đặc biệt, chúng tôi khuyến khích, khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất là không nên cạnh tranh bằng giá, vì cạnh tranh bằng giá thì nguy cơ bị điều tra về PVTM là rất lớn”, ông Phụ cho hay.

Tiếp tục nâng cấp, mở rộng hệ thống cảnh báo sớm

Đại diện Lãnh đạo Cục PVTM cho biết, trong quá trình đồng hành với doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi quy trình và hoạt động điều tra của cơ quan điều tra nước ngoài để đảm bảo quy trình, hoạt động điều tra tuân thủ đúng theo quy định pháp luật của nước sở tại và tuân thủ đúng theo các nguyên tắc và quy định của WTO.

Đối với các doanh nghiệp, Phó Cục trưởng Chu Thắng Trung khuyến nghị, khi đã xác định được nguy cơ đối với sản phẩm của mình xuất khẩu sang một thị trường nhất định, doanh nghiệp cần tìm hiểu và nắm được những thông tin, kiến thức cơ bản về PVTM, về quy định PVTM để hiểu được quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong các vụ việc PVTM.

Đồng thời, có sự chuẩn bị, rà soát, kiểm tra lại hệ thống sổ sách, chứng từ và hoàn thiện một cách đầy đủ, chính xác, khoa học, có thể truy xuất và xác minh được, để nếu vụ việc xảy ra, doanh nghiệp đã sẵn sàng cung cấp và hợp tác.

Lãnh đạo Cục PVTM chia sẻ, trong thời gian tới, trên cơ sở thông tin từ hệ thống cảnh báo sớm, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục trang bị, nâng cao nhận thức và kiến thức về PVTM cho các doanh nghiệp một cách có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những ngành hàng, những lĩnh vực có nguy cơ cao.

Đối với hệ thống cảnh báo sớm, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Bộ Công Thương sẽ mở rộng đến nhiều thị trường hơn nữa trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường khai thác các thị trường xuất khẩu mới.

“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp, Hiệp hội nhằm tư vấn kỹ hơn, giải thích kỹ hơn về các bước triển khai, những vấn đề phải làm để đáp ứng đúng quy trình, thủ tục điều tra của phía nước nhập khẩu, qua đó bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của các doanh nghiệp Việt Nam”, Lãnh đạo Cục PVTM khẳng định.

Vietnamexport

Nội dung liên quan