Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 43.186 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 129,2 triệu USD, tăng 25,1% về lượng và 0,4% về giá trị. Trong đó, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Bangladesh là 3 thị trường xuất khẩu chính của quế Việt Nam chiếm 67,1% trong 6 tháng đầu năm 2023.
TOP 10 các thị trường nhập khẩu quế Việt Nam (Đơn vị tính: Tấn)
(Nguồn: Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam)
Ấn Độ, Hoa Kỳ và Bangladesh là 3 thị trường xuất khẩu chính của quế Việt Nam chiếm 67,1% trong đó Ấn Độ đứng đầu đạt 17.380 tấn, tăng 35,4%; Hoa Kỳ đạt 5.000 tấn giảm 4,5%; Bangladesh đạt 4.271 tấn, tăng 60,7%. Xuất khẩu quế cũng tăng ở Trung Quốc, Ai Cập, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan…
Mùa vụ thu hoạch quế Xuân đã kết thúc trong khi vụ thu hoạch quế Thu sẽ bắt đầu vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8, sản lượng thu hoạch dự kiến năm 2023 sẽ tăng khoảng 12,5% so với năm 2022 và đạt khoảng 45 ngàn tấn.
Giá xuất khẩu đang có xu hướng giảm do nhu cầu yếu từ Hoa Kỳ và EU. Trong khi đó giá xuất khẩu ở Indonesia cũng đang có xu hướng giảm, cụ thể giá xuất khẩu tháng 4 đạt 4.393 USD/tấn, giảm 2,6% so với đầu năm 2023. (theo ITC).
Giá trung bình xuất khẩu quế Việt Nam qua các tháng (đơn vị tính: USD/tấn)
(Nguồn: Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam)
Về nhập khẩu, 6 tháng Việt Nam đã nhập khẩu 11.130 tấn quế, kim ngạch đạt 28,5 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước lượng nhập khẩu tăng 73,5% tương đương 4.715 tấn. Trung Quốc chiếm 89,0% là quốc gia cung cấp quế lớn nhất cho Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 đạt 9.909 tấn, so cùng kỳ tăng 80,2%. Tiếp theo là Indonesia đạt 857 tấn, tăng 11,4% và chiếm 7,7%.
Không chỉ xuất khẩu nhiều quế sang các thị trường kể trên, mặt hàng quế của Việt Nam đang chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Bằng chứng là Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất quế đứng thứ 3 trên toàn thế giới, chỉ sau Indonesia và Trung Quốc. Giá trị xuất khẩu quế hồi của Việt Nam liên tục tăng qua các năm và riêng năm 2022 đạt khoảng 276 triệu USD.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, hiện diện tích quế ở Việt Nam đạt khoảng 150.000 ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu. Ở Việt Nam quế được trồng tập trung tại Lào Cai, Yên Bái và Quảng Nam...Trữ lượng vỏ quế hàng năm ước khoảng 900.000 - 1,2 triệu tấn. Theo các chuyên gia, quế hồi không chỉ là gia vị, mà còn được sử dụng rất nhiều trong các ngành công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, được bổ sung vào cà phê, matcha và các đồ uống. Đặc biệt, nhu cầu sử dụng tinh dầu quế trên thế giới luôn ở mức cung không đủ cầu. Thực tế này đã đẩy giá quế ngày càng tăng cao, nhất là từ năm 2016 đến nay.
Các chuyên gia cũng nhận định rằng, trong vòng 10 năm tới, thị trường gia vị organic thế giới sẽ tăng trưởng ít nhất 4,6% mỗi năm và đạt tổng giá trị 15 tỷ USD. Riêng thị trường quế, từ nay tới 2025, trung bình tăng trưởng mỗi năm sẽ là 14%. Đây rõ ràng là cơ hội rất lớn cho Việt Nam khi quế là loại gia vị rất được yêu thích tại các nước.