Do nhu cầu ngày càng tăng cao nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu sản phẩm may mặc, Băng-la-đét hiện là nước đứng thứ hai thế giới (chỉ sau Trung Quốc) về nhập khẩu bông với khối lượng bông nhập khẩu trong năm tài chính 2013-2014 là 850.000 tấn.
Lĩnh vực may mặc là ngành công nghiệp chủ đạo của Băng-la-đét, chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của quốc gia này. Hiện Băng-la-đét có 392 nhà máy kéo sợi, 782 nhà máy dệt, 240 nhà máy nhuộm và khoảng 4.500 công ty may trên khắp cả nước. Có khoảng 3,6 triệu lao động làm việc tại 4.000 công ty may mặc tại Băng-la-đét trong đó phụ nữ chiếm 80%. Theo Hiệp hội dệt may Băng-la-đét, do nhu cầu xuất khẩu mặt hàng dệt may chất lượng cao tăng mạnh, các nhà cung cấp nguyên liệu nước này chỉ có thể đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu về vải cotton và 25% các loại vải khác để phục vụ cho việc sản xuất hàng may mặc.
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), niên vụ 2013-2014, tổng lượng bông tiêu thụ của Băng-la-đét đat khoảng 870.000 tấn. Ước tính lượng bông tiêu thụ của nước này niên vụ 2014-2015 tăng lên 940.000 tấn, tăng trên 7,5% so với niên vụ trước do tiêu thụ nội địa và nhu cầu xuất khẩu mặt hàng quần áo tăng cao. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ sợi của nước này niên vụ 2014-2015 đạt 1,06 triệu tấn, tăng 4% và nhu cầu tiêu thụ vải đạt 7,6 tỷ mét, tăng 7,2%.
Báo cáo mới nhất của USDA cho thấy, tổng lượng bông Băng-la-đét sản xuất năm 2014-2015 đạt trên 26.000 tấn, tăng 4,3% so với niên vụ 2013-2014 nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi và áp dụng giống bông cho sản lượng cao. Sản lượng sợi và vải của nước này lần lượt đạt 748.000 tấn (tăng 3%) và 4,6 tỷ mét (tăng 4,5%). Mặc dù Hội đồng phát triển Bông Băng-la-đét đã có nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ sản xuất bông trong nước, song sản lượng bông, sợi và vải của nước này chỉ đáp ứng một phần nhỏ lượng tiêu thụ khổng lồ, phục vụ sản xuất xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Niên vụ 2013-2014, kim ngạch nhập khẩu bông thô của Băng-la-đét đạt xấp xỉ 850.000 tấn, tăng 8,3% so với niên vụ 2012-2013. Con số này ước đạt 914.400 tấn trong niên vụ 2014-2015. Trong đó, 35% tổng lượng bông nhập khẩu vào Băng-la-đét đến từ Ấn Độ, 25% từ U-za-bê-kít-xtan.
Đối với nhập khẩu mặt hàng sợi và vải, năm 2014, ước tính Băng-la-đét nhập khẩu 300.000 tấn sợi (trong đó, 69% sợi nhập khẩu từ Ấn Độ) và 2,8 tỷ mét vải (trong đó 64% vải nhập khẩu từ Trung Quốc).
(Hình ảnh mang tính chất minh hoạ)
Việt Nam cũng là nước cung cấp các mặt hàng sợi, vải, nguyên phụ liệu dệt may cho Băng-la-đét. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng sợi các loại của Việt Nam sang quốc gia Nam Á này đạt 37,5 triệu USD, tăng 28,9% so với năm 2012; mặt hàng vải đạt 21,6 triệu USD, tăng 22,7%; nguyên phụ liệu dệt may, da và giày đạt 10,5 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2012.
Tính riêng 9 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng trên của Việt Nam sang Băng-la-đét đạt 66,3 triệu USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm 2013.
Tuy nhiên, Việt Nam chưa xuất khẩu mặt hàng bông sang Băng-la-đét do sự cạnh tranh gay gắt về giá của các nước lân cận như Ấn Độ, U-za-bê-kít-xtan.
Với dân số trên 166 triệu người, Băng-la-đét là một thị trường lớn trong khu vực Nam Á. Ngành dệt may là ngành công nghiệp trọng yếu của Băng-la-đét, bên cạnh đó, nước này cũng đang đặt mục tiêu vượt qua Trung Quốc, trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới trong lĩnh vực may mặc. Chính phủ Băng-la-đét cũng thực hiện những chính sách tích cực, khuyến khích nhập khẩu các mặt hàng phục vụ ngành công nghiệp dệt may như miễn 100% thuế đối với các loại vải; mức thuế áp dụng đối với thuốc nhuộm vải chỉ ở mức 5%; không quy định hạn ngạch với các loại nguyên liệu phục vụ ngành may mặc… Chính vì vậy, Băng-la-đét là thị trường đầy tiềm năng cho những doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trong lĩnh vực dệt may, xơ, sợi dệt các loại.
Bên cạnh đó, Băng-la-đét cũng đang nỗ lực khuyến khích đầu tư nước ngoài dựa trên giá nhân công rẻ (rẻ nhất trong khu vực), giá thuê mặt bằng thấp… Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực dệt may có thể xem xét khả năng đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh sang thị trường này.
Lê Thu Quỳnh