Thương vụ Việt Nam tại Campuchia xin gửi Bản tin thị trường Campuchia từ ngày 1 đến 31 tháng 10 năm 2024 để doanh nghiệp, người dân tham khảo.
- Campuchia và Qatar đẩy nhanh đàm phán DTA (29/10). Campuchia và Qatar đã nhất trí đẩy nhanh đàm phán Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (DTA) để thúc đẩy quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn và tạo điều kiện tăng cường đầu tư và thương mại giữa hai nước. Vòng đàm phán đầu tiên đã kết thúc thành công tại Qatar, đặt nền tảng cho các cuộc thảo luận tiếp theo và phát triển DTA toàn diện. Hiện tại, Campuchia đã triển khai DTA với Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Brunei, Việt Nam, Indonesia, Đặc khu hành chính Hồng Công của Trung Quốc, Malaysia và Hàn Quốc. Ngoài ra, Vương quốc này đang hợp tác với bảy quốc gia về DTA để tăng sức hấp dẫn đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế. Bảy quốc gia đó là Philippines, Lào, Myanmar, Pháp, Nhật Bản, Maroc và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
- Hội chợ triễn lãm 2024:
Triển lãm hàng hóa xuất nhập khẩu Campuchia lần thứ 17 (The 17th Cambodian and Import/Export Goods Exhibition) tại Borey Peng Houth Boeung Snor (địa chỉ tại phường Nirouth, quận Khan Chbar Ampov, Phnom Penh) từ ngày 13 đến 16 tháng 12 năm 2024. Triển lãm có khoảng 250 đến 300 gian hàng, bao gồm các gian hàng chung từ Bộ Thương mại, các Sở ban ngành tỉnh/thành phố, Đại sứ quán nước ngoài tại Campuchia, các công ty tư nhân trong và ngoài nước. Triễn lãm này góp phần thúc đẩy thương mại, đầu tư và phát triển khu vực tư nhân kết nối doanh nghiệp Campuchia và nước ngoài. Bộ Thương mại kính mời các vị khách quốc tế, doanh nhân, nhà sản xuất, nhà đầu tư và công chúng có nhu cầu trưng bày sản phẩm, dịch vụ tại sự kiện nêu trên gửi đơn đăng ký tham gia đến Cục Triển lãm, Tổng cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Thương mại trước ngày 20 tháng 11 năm 2024.
Trong khuôn khổ triễn lãm, Campuchia tổ chức các sự kiện: Diễn đàn Thương mại Kỹ thuật số, Diễn đàn Thương mại và Đầu tư Campuchia-Hàn Quốc, Hoạt động Kết nối Doanh nghiệp, Triển lãm Công nghiệp & Sẵn sàng Xuất khẩu, và Hòa nhạc.
Về Diễn đàn thương mại kỹ thuật số: Diễn đàn Thương mại kỹ thuật số và Triển lãm trực tuyến Campuchia là sự kiện đầu tiên thuộc loại hình này tại quốc gia này và sẽ diễn ra cùng với Triển lãm hàng hóa xuất nhập nhập khẩu Campuchia lần thứ 17. Cả hai sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 12 năm 2024, tại PH Grand Hall tại Borey Peng Huoth Boeung Snor ở Phnom Penh. “Diễn đàn và triển lãm nhằm mục đích thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại số tại Campuchia đồng thời hỗ trợ quảng bá sản phẩm địa phương trên toàn cầu.
Theo Bộ Thương mại Campuchia (MOC), sự kiện này sẽ nêu bật vai trò ngày càng tăng của Campuchia trong nền kinh tế số và thúc đẩy sự mở rộng của thương mại số tại quốc gia này; các doanh nhân Campuchia đều có thể tham gia trưng bày và bán các sản phẩm quốc gia Campuchia tại các thị trường trong nước và quốc tế thông qua CambodiaTrade.com trong triển lãm sắp tới.
- Thương mại Campuchia với các nước:
Theo Tổng cục Hải quan và Thuế tiêu thụ đặc biệt (GDCE), xuất khẩu hàng may mặc, giày dép và hàng du lịch (GFT) của Campuchia đã tăng 23,33% trong tám tháng đầu năm 2024, so với cùng kỳ năm ngoái, mang về cho Campuchia 9,08 tỷ USD, chiếm 51,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 17,58 tỷ USD của Campuchia trong cùng giai đoạn. Tất cả các phân khúc thuộc ngành GFT đều tăng kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm ngoái: kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc dệt kim và phụ kiện quần áo đạt 4,36 tỷ USD, tăng 20,1%; hàng may mặc không dệt kim đạt 2,11 tỷ USD, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm ngoái; các mặt hàng da và hàng du lịch đã mang về 1,37 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu giày dép đạt 1,08 tỷ USD với mức tăng trưởng 22,4% so với cùng kỳ ngoái...
- Vietnam Airlines khai trương đường bay thẳng từ Hà Nội tới Phnom Penh: Ngày 27/10/2024, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã chính thức khai trương đường bay thẳng từ thủ đô Hà Nội tới thủ đô Phnom Penh của Vương quốc Campuchia, trở thành hãng hàng không duy nhất của Việt Nam khai thác đường bay này, góp phần hoàn thiện mạng lưới kết nối và giao thương giữa hai quốc gia láng giềng. Tham dự buổi lễ có Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Campuchia Nguyễn Huy Tăng, Bộ trưởng phụ trách Cơ quan Hàng không Dân dụng Campuchia (SSCA) Mao Havannall, Bộ trưởng Du lịch Campuchia Huot Hak, cùng đại diện các bộ, ngành, hiệp hội du lịch, các hãng hàng không và doanh nghiệp hai nước.
Sau hơn 4 tháng chuẩn bị, đường bay thẳng giữa thủ đô hai nước đã chính thức đi vào hoạt động với tần suất 4 chuyến một tuần vào các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu và Chủ Nhật, được khai thác bằng máy bay phản lực hiện đại Airbus A321. Đường bay mới này sẽ nâng tổng số đường bay giữa Việt Nam và Campuchia của Vietnam Airlines lên 5 đường bay từ cuối tháng 10/2024 và tổng số chuyến bay giữa hai quốc gia sẽ lên tới 86 chuyến bay mỗi tuần, góp phần quan trọng vào việc gia tăng mạng lưới kết nối giữa hai quốc gia. Bên cạnh vai trò cầu nối về địa lý, trung chuyển hành khách hay hàng hóa, những chuyến bay thẳng còn góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác song phương của hai nước trên mọi lĩnh vực; thúc đẩy giao lưu nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân hai nước giao lưu, thăm thân, du lịch, góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau; đường bay thẳng sẽ đặc biệt thuận lợi cho các doanh nhân và khách du lịch trong nước và quốc tế, cũng như thúc đẩy phát triển các gói du lịch giữa hai nước Việt Nam-Campuchia.
Ngoài ra, việc khai trương các chuyến bay thẳng sẽ là biểu tượng thành công của mối quan hệ chặt chẽ và hợp tác trong mọi lĩnh vực của hai nước Việt Nam và Campuchia.
- Du lịch CAMPUCHIA:
Theo báo cáo của Bộ Du lịch, Campuchia đã thu hút 4,8 triệu du khách nước ngoài trong 9 tháng đầu năm 2024, tăng 22% so với mức 3,92 triệu của cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, du khách Thái Lan đứng đầu bảng xếp hạng lượng khách du khách đến CAMPUCHIA, tiếp theo là Việt Nam, Trung Quốc, Lào và Mỹ.
CAMPUCHIA nổi tiếng với đền Angkor, một di sản thế giới được UNESCO công nhận, ở tỉnh Siem Reap, và một vịnh đẹp ở phía tây nam Sihanoukville. Ngoài ra, CAMPUCHIA còn có 3 di sản thế giới khác, cụ thể là Khu đền Sambor Prei Kuk ở tỉnh Kampong Thom, đền Preah Vihear và đền Koh Ker thuộc tỉnh Preah Vihear. Du lịch là một trong bốn trụ cột nền kinh tế Campuchia, bên cạnh xuất khẩu hàng may mặc, giày dép và du lịch, nông nghiệp, xây dựng và bất động sản.
Bộ Du lịch Campuchia phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Campuchia tổ chức Diễn đàn Du lịch Campuchia-Ấn Độ năm 2024 vào ngày 31/10/2024 tại tỉnh Siem Reap với chủ đề “Tiềm năng của thị trường du khách Ấn Độ đối với lĩnh vực du lịch Campuchia: uy tín, vị thế và sự chuẩn bị điều kiện vật chất”. Diễn đàn được tổ chức để thúc đẩy trao đổi văn hoá, đặc biệt củng cố hợp tác du lịch song phương Campuchia-Ấn Độ, thúc đẩy dòng du khách và thu hút nhà đầu tư Ấn Độ tới đầu tư vào lĩnh vực du lịch Campuchia và để tham gia thúc đẩy chiến dịch “Năm du lịch Campuchia-Ấn Độ lần thứ nhất 2024” và “Tham quan Siem Reap năm 2024”. Đồng thời, diễn đàn này cũng sẽ tạo điều kiện cho chuyên gia du lịch tư nhân, bên liên quan của hai nước đã gặp thảo luận, chia sẻ ý tưởng mới, trao đổi kinh nghiệm hay và tìm chiến lược trong việc tham gia phát triển du lịch bền vững, trách nhiệm, nhất là trao cơ hội cho lĩnh vực tư nhân hai nước gặp nhau, củng cố mạng lưới quan hệ với nhau”.
- CAMPUCHIA phát triển trồng điều:
Campuchia đứng thứ ba thế giới về diện tích trồng điều (28/10). Ông Ngin Chhay-Tổng cục trưởng Tổng cục Nông nghiệp, đã phát biểu trong buổi ra mắt chính thức tài liệu “Diện tích trồng điều tại Campuchia năm 2024, đã nêu bật Campuchia với diện tích trồng điều ước tính là 580.117 ha đứng thứ ba thế giới về diện tích canh tác cây trồng này. Các tỉnh trồng nhiều điều nhất bao gồm Kampong Thom, Kratie, Stung Treng, Siem Reap, Kampong Cham, Oddar Meanchey, Mondulkiri, Ratanakiri, Preah Vihear, Tbong Khmum và Kampong Chhnang, trong đó, tỉnh Kampong Thom có diện tích trồng điều lớn nhất với khoảng 147.700 ha, tiếp theo là tỉnh Kratie với 102.500 ha và tỉnh Ratanakiri với 97.200 ha.
Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản (MAFF) việc ra mắt tài liệu các vùng trồng điều tại Campuchia để đảm bảo tất cả các bên liên quan đều có quyền truy cập vào thông tin và bản đồ chính xác về các vùng trồng điều, tạo điều kiện quản lý hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên đất nông nghiệp.
Tài liệu này sẽ hỗ trợ thêm cho việc phát triển quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp và phân vùng nhằm quản lý hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên nông nghiệp. Theo Ông Uon Silot, Chủ tịch Hiệp hội hạt điều Campuchia (CAC), đã nhấn mạnh tầm quan trọng của bản đồ mới công bố về các vùng trồng điều; bản đồ này rất quan trọng đối với các đối tác phát triển, tổ chức và công ty trong ngành điều, thúc đẩy họ đánh giá lại và điều chỉnh chiến lược của mình dựa trên dữ liệu rõ ràng để xây dựng các kế hoạch hiệu quả cho sự phát triển của ngành điều tại CAMPUCHIA.
- Chủ tịch AIIB nhấn mạnh rằng phát triển cơ sở hạ tầng kết nối rất quan trọng để đảm bảo tăng trưởng kinh tế Campuchia:
Ngày 09/10/2024, trong cuộc gặp với Samdech Thipadei Hun Manet-Thủ tướng Campuchia tại Viêng-chăn, Lào, ông Kim Lập Quần-Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) đã: (1) Bày tỏ vui mừng được tham gia phát biểu quan trọng trong phiên họp toàn thể của Hội nghị Cấp cao khu vực và nội dung chính trong phát biểu của ông Kim Lập Quần tập trung vào tầm quan trọng của phát triển cơ sở hạ tầng kết nối ở khu vực châu Á để hỗ trợ phát triển của các nước trong khu vực; (2) Bày tỏ vui mừng phấn khởi vì AIIB đã đóng góp vào phát triển cơ sở hạ tầng ở Campuchia; (3) Thông báo với Samdech Thipadei rằng Campuchia là một quốc gia sáng lập đã tham gia vào việc thành lập AIIB từ 9 năm trước. Điều này khẳng định về hợp tác tốt đẹp và đóng góp rất quan trọng của Campuchia trong từng bước phát triển và hoạt động của AIIB; (4) Nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc phát triển cơ sở hạ tầng kết nối để thúc đẩy và đảm bảo tăng trưởng kinh tế quốc gia, nhất là cải thiện cơ sở hạ tầng thủ đô Phnom Penh để đẩy mạnh thu hút du khách và nhà đầu tư.