Từ ngày 06 đến ngày 07 tháng 3 năm 2024, ông Nguyễn Anh Sơn – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã tham dự Hội nghị lúa gạo toàn cầu – SS Rice News Convention 2024 và Hội nghị hợp tác thương mại gạo thường niên lần thứ 17 giữa Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA).
Hội nghị lúa gạo toàn cầu – SS Rice News Convention 2024
Ngày 06 tháng 3 năm 2024, Hội nghị lúa gạo toàn cầu – SS Rice News Convention 2024 nhằm thúc đẩy sự phát triển của mạng lưới thị trường gạo toàn cầu đã chính thức khai mạc tại Đà Nẵng. Sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam đã thu hút sự tham gia của hơn 400 thương nhân xuất nhập khẩu, các nhà cung cấp dịch vụ phụ trợ, các chuyên gia và nhà nghiên cứu hàng đầu ngành lúa gạo từ 30 quốc gia trên thế giới.
Phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Anh Sơn – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết để đảm bảo mục tiêu và hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương hiện là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, địa phương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo. Đồng thời, để triển khai thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 583/QĐ-TTg ngày 26/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 05/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay, năm 2023, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 15/8/2023 về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay. Năm 2024, để thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 02/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang xây dựng và sẽ sớm ban hành Chỉ thị triển khai các nhiệm vụ được giao.
Ông Nguyễn Anh Sơn – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị
Ông cũng cho biết, với vị trí là một trong 03 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, ngành gạo Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tất cả các diễn biến trên thị trường thương mại toàn cầu, từ thay đổi về chính sách, biến động về cung cầu, khuynh hướng giá cả tới biến động địa chính trị, biến đổi khí hậu,… Tuy nhiên, với các chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành cùng các giải pháp khơi thông thị trường, lưu thông hàng hóa, việc thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu đối với mặt hàng gạo đã ghi nhận được một số kết quả tích cực, góp phần tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân. Gạo Việt Nam hiện đã có mặt tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả những thị trường khó tính như châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Australia,…
Năm 2023, xuất khẩu gạo đã lập kỷ lục khi cán đích với kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 4,78 tỷ USD, tăng 36,6% so với năm trước, mức xuất khẩu cao nhất trong nhiều năm của ngành lúa gạo Việt Nam. Tháng 01 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gạo tháng 01 đã đạt 362 triệu USD, tăng 7% so với cùng kì năm 2023 và là dấu hiệu rất tích cực trong bối cảnh nguồn cung lúa gạo toàn cầu đang bị thắt chặt.
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đánh giá: “Cơ hội là rất lớn cho ngành và doanh nghiệp Việt Nam, song cơ hội luôn song hành cùng thách thức.” Đồng thời khẳng định: “Hội nghị hôm nay rất thiết thực, cần thiết, thể hiện sự chủ động của cộng đồng doanh nghiệp gạo trong hoạt động nghiên cứu, bám sát thị trường, tổ chức kinh doanh hiệu quả, bền vững. Đây không chỉ là nơi để chúng ta tiếp cận thông tin, mà còn là cơ hội để chúng ta cùng bàn luận, đưa ra đề xuất, kiến nghị thực tiễn từ nhu cầu xúc tiến xuất khẩu của các doanh nghiệp; để từ đó đề ra các giải pháp, kế hoạch cụ thể hỗ trợ phát triển thị trường gạo trong năm 2024”.
Ông Nguyễn Anh Sơn – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và các chuyên gia thảo luận tại Hội nghị
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung vào việc phân tích và thảo luận về các xu hướng thị trường, cập nhật về chính sách xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong bối cảnh nước này áp dụng các hạn chế xuất khẩu, cũng như tìm hiểu các nguồn cung cấp gạo thay thế toàn cầu, đặc biệt từ khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, các vấn đề về thị trường vận tải biển, ảnh hưởng của thời tiết và chính trị đến ngành lúa gạo cũng được đưa ra thảo luận sâu rộng.
Hội nghị hợp tác thương mại gạo thường niên lần thứ 17 giữa Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA)
Việt Nam và Thái Lan là hai quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) đã sớm thiết lập mối quan hệ hợp tác lâu dài cùng phát triển. Kể từ năm 2006, hai Hiệp hội duy trì các kỳ họp thường niên, bán thường niên để thảo luận các vấn đề về thương mại gạo quốc tế, tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo của mỗi nước.
Ngày 07 tháng 3 năm 2024, Hội nghị hợp tác thương mại gạo thường niên lần thứ 17 của hai Hiệp hội đã diễn ra tại Đà Nẵng. Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Việt Nam và Lãnh đạo cùng các cán bộ Cục Ngoại thương, Bộ Thương mại Thái Lan.
Tại Hội nghị, hai bên đã cập nhật, trao đổi những thông tin mới nhất về tình hình sản xuất, xuất khẩu lúa gạo của hai nước cũng như các nhận định, đánh giá về xu hướng thị trường lúa gạo trong năm 2024.
Ông Nguyễn Anh Sơn – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương Việt Nam) và Ông Ronnarong Phoolpipat - Cục trưởng Cục Ngoại thương (Bộ Thương mại Thái Lan) chứng kiến lễ ký kết Biên bản Hội nghị hợp tác thương mại gạo thường niên lần thứ 17 của hai Hiệp hội.
Bên cạnh đó, với vai trò cơ quan đầu mối điều hành xuất khẩu gạo hai nước, Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương Việt Nam) và Lãnh đạo Cục Ngoại thương (Bộ Thương mại Thái Lan) đánh giá cao mối quan hệ hợp tác lâu năm giữa hai Hiệp hội ngành hàng cũng như các doanh nghiệp lớn của hai bên; đồng thời khẳng định mục tiêu chung của hai nước là phát triển ngành hàng theo hướng bền vững, lấy an ninh lương thực làm trọng tâm, từ đó khẳng định việc hợp tác ngành hàng lúa gạo giữa hai nước sẽ ngày càng được củng cố và phát triển.
Hai bên cũng thống nhất sẽ tăng cường hơn nữa sự trao đổi, phối hợp để thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước, hỗ trợ các doanh nghiệp hai bên nghiên cứu tìm hiểu thị trường, hợp tác đầu tư sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.