Về thương mại, Thụy Sĩ hiện đang là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu; trong khi đó Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 34 trên toàn cầu của Thụy Sĩ và là đối tác thương mại lớn thứ 11 của Thụy Sĩ tại khu vực châu Á.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Thụy Sĩ đạt 825 triệu USD, tăng nhẹ 2,24% so với năm 2022; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 199 triệu USD, tăng 7,92% so với năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt 626 triệu USD, tăng nhẹ 0,56%.
Trong giai đoạn 2019 – 2023, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Thụy Sĩ không có nhiều biến động. Từ năm 2020, do ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch Covid-19, kim ngạch thương mại hai chiều giảm đáng kể so với các năm trước đó, chỉ đạt 864 triệu USD, giảm mạnh 62,13% so với năm 2019 và sau đó kim ngạch không có nhiều biến động trong các năm tiếp theo. Thời gian qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Sĩ đã và đang phát triển tích cực, một số lĩnh vực tại Việt Nam được doanh nghiệp Thụy Sĩ đánh giá có cao là xuất khẩu, du lịch và dịch vụ công nghệ thông tin. Việt Nam luôn coi Thụy Sĩ là một trong những đối tác quan trọng tại châu Âu và Thụy Sĩ cũng đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động nhất khu vực Đông Nam Á.
Trong những năm qua, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Thụy Sĩ không ngừng mở rộng. Hai nước đã ký kết Hiệp định bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ... đây chính là những cơ sở pháp lý quan trọng cho phép doanh nghiệp hai nước thúc đẩy hợp tác kinh doanh.
Trong tháng 7/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Thụy Sĩ đạt 13,63 triệu USD, giảm 5,45% so với tháng trước đó và tăng đáng kể 24,28% so với tháng cùng kỳ năm 2023; tính riêng 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này ghi nhận mức giảm so với 7 tháng đầu năm 2023 là 23,65%, đạt 103,04 triệu USD. Trong đó, ba mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao nhất là Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm tỷ trọng 22,29%); Hàng thủy sản (chiếm tỷ trọng 15,82%) và Giày dép các loại (chiếm tỷ trọng 10,83%).
Việt Nam luôn là một trong những nguồn cung thuỷ sản lớn nhất của thị trường Thụy Sĩ. Đối với nhóm hàng thủy sản (mã HS03), Việt Nam nằm trong tốp 4 thị trường nhập khẩu lớn nhất, xếp sau Na Uy, Pháp và Hà Lan. Còn với nhóm hàng động vật giáp xác, động vật thân mềm đã chế biến hoặc bảo quản (mã HS 1605) Việt Nam luôn là thị trường nhập khẩu hàng đầu. Mỗi năm thị trường Thụy Sĩ tiêu thụ khoảng 75.000-80.000 tấn thủy sản các loại, kể cả tươi sống, đông lạnh và chế biến. Bình quân tiêu thụ thủy sản khoảng 8,5-9 kg/người/năm. Trong đó, Thuỵ Sĩ chỉ nuôi trồng và chế biến khoảng trên 3.000 tấn thủy sản các loại, còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu, tập trung vào nhóm sản phẩm chính gồm: thuỷ sản, cá đã chế biến hoặc bảo quản, trứng cá, động vật giáp xác, động vật thân mềm đã chế biến hoặc bảo quản. Dự kiến nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này của Thuỵ Sĩ sẽ tăng 4,6% trong những năm tới và xu hướng tiêu thụ tăng dần với sản phẩm hữu cơ. Vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường đầu tư cho thuỷ sản chế biến và sản phẩm hữu cơ nhằm nắm bắt cơ hội tiêu dùng này của Thuỵ Sĩ, đồng thời đẩy mạnh liên kết xuất khẩu để duy trì đối tác kinh doanh.
Trong tháng 7/2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Thụy Sĩ đạt 52,22 triệu USD, giảm nhẹ 2,76% so với tháng trước đó và giảm 5,23% so với tháng cùng kỳ năm 2023; tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này ghi nhận mức giảm là 4,0% so với 7 tháng đầu năm 2023, đạt 339,12 triệu USD. Trong đó, ba mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch cao nhất là Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (chiếm tỷ trọng 22,59%); Dược phẩm (chiếm tỷ trọng 17,14%) và Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm tỷ trọng 13,44%).