Trong 11 tháng năm 2024, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Canada đối khả quan, hứa hẹn vượt mốc 10 tỷ USD.
Xung lực thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Canada
Tháng 11/1994, Thủ tướng Canada Jean Chrétien đã tới thăm chính thức Việt Nam và dự lễ khánh thành Đại sứ quán Canada tại Hà Nội. Trước đó 1 năm (1993), Cơ quan Thương vụ Việt Nam đã được thành lập tại thủ đô Ottawa, Canada.
Hơn 30 năm qua, quan hệ giữa Canada và Việt Nam đã phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực: Chính trị - ngoại giao, thương mại và đầu tư, an ninh và quốc phòng, giáo dục và trao đổi văn hoá…
Tháng 11/2017, trong chuyến thăm của Thủ tướng Justin Trudeau đến Việt Nam, hai bên đã ra tuyên bố thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Canada. Việt Nam và Canada cùng là thành viên của Hiệp định CPTPP và luôn phối hợp chặt chẽ với nhau trong các cơ chế hợp tác đa phương khác như APEC, Francophonie, IPEF, Canada-ASEAN…
Với việc thiết lập cơ chế Uỷ ban hỗn hợp kinh tế Canada-Việt Nam, nhiều lĩnh vực hợp tác mới và cụ thể hơn nữa đang ngày càng đưa quan hệ giữa hai nước đi vào chiều sâu: chuyển đổi năng lượng, hợp tác nông nghiệp, chống biến đổi khí hậu, hợp tác tài chính, hợp tác về số liệu thống kê...
Canada cũng là đối tác có đóng góp lớn cho Việt Nam về hợp tác phát triển nhằm xoá đói, giảm nghèo, nâng cao năng lực thể chế cho các cơ quan nhà nước cũng như hỗ trợ quá trình tăng trưởng bao trùm cho người dân và doanh nghiệp.
Trong hơn 30 năm qua, Canada đã có gần 200 dự án hỗ trợ, với số vốn lên đến 1,35 tỷ đô la Mỹ đóng góp không nhỏ vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, công nghiệp hoá-hiện đại hoá của Việt Nam. Trong lĩnh vực thương mại, Canada đã có nhiều dự án nhằm hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực xuất khẩu bền vững, đáp ứng các yêu cầu chất lượng của thị trường nước ngoài; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tăng quy mô và năng lực cạnh tranh, tiếp cận chuỗi cung ứng của Canada và thị trường quốc tế.
Ngoài ra, Canada còn dành nhiều khoản hỗ trợ cho các dự án đào tạo, hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ quốc tế/hội chợ ở Canada; hỗ trợ tổ chức các đoàn mua hàng từ Canada vào Việt Nam nhập khẩu…
Điểm sáng của hỗ trợ phát triển chính thức Canada là việc tham gia giúp người dân Việt Nam chia sẻ kiến thức, kỹ năng và hàng hoá của mình với thế giới. Nhiều cải tiến trong sản xuất lúa giống (ST 25), lạc, bưởi, bò sữa, lợn và các loại cây trồng vật nuôi khác đã giúp cải thiện rõ rệt thu nhập các hộ gia đình nông thôn nơi tiếp nhận dự án.
Trong 11 tháng của năm 2024, Canada đã có thêm 20 dự án đầu tư mới vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký lên đến 50 triệu USD (trung bình khoảng xấp xỉ 3 triệu USD/dự án). Mặc dù quy mô các dự án chưa lớn, sự gia tăng số lượng các dự án thể hiện sự quan tâm của các doanh nghiệp Canada đối với Việt Nam, đặc biệt là từ nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bên cạnh các dự án mới, trong 11 tháng đầu năm đã có 3 dự án điều chỉnh tăng vốn và 35 lượt góp vốn mua cổ phần (M&A), với số vốn trên 17 triệu USD. Tính đến hết tháng 11, giá trị đầu tư của Canada vào Việt Nam cộng gộp các hình thức đạt 71.4 triệu USD, tăng 202% so với cùng kỳ năm 2023. Canada hiện có 277 dự án đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 4.9 tỷ USD. Canada tiếp tục giữ vị trí là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 14 của Việt Nam.
Đặc biệt về quan hệ thương mại, Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN và là đối tác nhập khẩu lớn thứ 7 của Canada; Canada là đối tác xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam ở châu Mỹ; Việt Nam đang nổi lên như thị trường quan trọng trong bối cảnh Canada thúc đẩy chiến lược đa dạng hoá thương mại, hướng trọng tâm về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong 11 tháng năm 2024, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn tương đối khả quan, hứa hẹn vượt mốc 10 tỷ USD. Tính kết nối ngày càng tăng giữa hai nền kinh tế cũng thể hiện rõ nét với việc hàng hoá của Canada vào Việt Nam trong năm 2024 đã tăng trưởng vượt bậc, tăng tới 34.1% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, sau 6 năm triển khai CPTPP, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng hơn gấp đôi, từ mức chưa đến 5 tỷ USD năm 2018 lên đến trung bình 10 tỷ USD giai đoạn ba năm 2022-2024.
Năm 2024, với việc một loạt các Đoàn doanh nghiệp của Canada vào Việt Nam (có đoàn có quy mô lên đến trên 200 doanh nghiệp) đã tạo ra nhiều xung lực mới cho quan hệ hợp tác giữa hai nước, thúc đẩy hơn nữa tính kết nối giữa hai nước về vận tải, logistics, thương mại điện tử, công nghệ cao, năng lượng... Với những lợi thế về công nghệ, tài chính, mạng lưới bạn hàng và logistics ở châu Mỹ, Canada có thể là cánh cửa cho các doanh nghiệp Việt Nam nâng quy mô và đi ra thế giới.
Ngược lại, với lợi thế về mạng lưới Hiệp định thương mại tự do, lợi thế về thị trường, về lao động có kỷ luật và chất lượng cao cũng như hạ tầng vận tải xuyên Á, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cửa ngõ cho các doanh nghiệp Canada vào ASEAN. Hợp tác đầu tư-thương mại đã và đang là cầu nối giúp Việt Nam và Canada hiểu biết lẫn nhau xây dựng lòng tin, mở ra những cơ hội hợp tác sâu rộng hơn nữa trong các lĩnh vực chiến lược của tương lai.
Năng lượng, điện hạt nhân - lĩnh vực hợp tác tiềm năng
Canada là nhà xuất khẩu năng lượng quan trọng của thế giới. Các sản phẩm dầu mỏ (bao gồm dầu thô và xăng), khí đốt chiếm đến 20% giá trị kim ngạch xuất khẩu của Canada, tương đương khoảng 120 tỷ USD/năm.
Không những vậy, Canada còn là nhà sản xuất dầu thô lớn thứ 4 thế giới (5,1 triệu thùng/ngày cả dầu nặng và dầu nhẹ) và là nhà sản xuất khí gas lớn thứ 5 thế giới (0.5 tỷ m3/ngày,cả khí gas tự nhiên và gas hoá lỏng LNG). Canada là nước có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ ba thế giới, chiếm tới 11% tổng trữ lượng của thế giới.
Ngoài ra, Canada cũng là quốc gia sản xuất và xuất khẩu điện lớn trên thế giới với công suất sản xuất lên đến 640 terawatt/giờ. Năng lượng điện ở Canada đã được xanh hoá phần lớn với 60% từ thuỷ điện, 14% từ năng lượng hạt nhân, 12% từ khí LNG, 6% từ gió, 1% từ mặt trời; 1% từ biomass /hydrogen và chỉ còn khoảng dưới 6% từ than và dầu.
Thế mạnh năng lượng của Canada đến từ nỗ lực xây dựng chiến lược năng lượng có tầm nhìn và đầu tư lớn vào việc phát triển công nghệ. Bên cạnh đó, Canada còn có khả năng cung cấp hỗ trợ tài chính và kinh nghiệm quản lý an toàn hiệu quả trong nhiều lĩnh vực năng lượng khác nhau, kể cả điện hạt nhân, điện gió, điện sinh khối…
Đặc biệt, trong lĩnh vực điện hạt nhân, Canada là nước tự chủ về công nghệ lò phản ứng hạt nhân (CANDU) với uy tín và lịch sử khá lâu đời (từ những năm 1960). Đây là công nghệ lò lò phản ứng nước nặng điều áp sử dụng uranium tự nhiên (không phải uranium làm giàu) để tạo ra điện với công suất khác nhau, từ 600 MW đến 1000 MW. Lò phản ứng thế hệ thứ 3 Candu Monark là thiết kế mới nhất có công suất 1200 MW với chi phí thấp hơn, thiết kế thân thiện với môi trường, dễ xây dựng, vận hành và bảo trì; và có tuổi thọ hoạt động lên đến 70 năm. Hơn nữa, ngoài việc làm chủ công nghệ, Canada là nước sản xuất uranium lớn thứ hai trên thế giới, tương ứng 15% nguồn cung toàn cầu.
Canada là nước có nền khoa học công nghệ phát triển và Chính phủ Canada đầu tư lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ. Trung bình hàng năm, Canada đầu tư khoảng 15 tỷ CAD cho hoạt động R&D. Ngoài việc cung cấp nhiều học bổng sau Đại học cho Việt Nam, Canada còn là quốc gia tiên phong trong nhiều lĩnh vực của tương lai như: Trí tuệ nhân tạo; chế biến khoáng sản thiết yếu; bán dẫn; công nghệ số và công nghệ tự động hoá, sản xuất tuần hoàn; năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, khoa học đời sống và sản xuất sinh học…
Đây cũng là những lĩnh vực mà các doanh nghiệp khởi nghiệp Canada quan tâm tìm kiếm cơ hội để triển khai ở thị trường nước ngoài đồng thời cũng là cơ hội cho Việt Nam nếu thu hút được các luồng đầu tư chất lượng cao này để cùng thương mại hoá và xu hướng này đang thể hiện khá rõ trong luồng đầu tư mới của Canada vào Việt Nam trong năm 2024.
Chuyến công tác của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tới Canada vào tháng 11/2024 đã khẳng định hơn nữa các tiềm năng hợp tác giữa hai nước. Sự hợp tác thực chất và hiệu quả giữa Canada và Việt Nam trong khuôn khổ CPTPP cũng như tại các Diễn đàn quốc tế khác sẽ tiếp tục góp phần đưa quan hệ đối tác toàn diện giữa Canada và Việt Nam ngày một sâu sắc hơn.
Các hoạt động song phương của Bộ trưởng hai nước tại Vancouver khẳng định thêm nữa tầm nhìn chung về sự cần thiết thúc đẩy tính kết nối giữa hai nền kinh tế, thông qua cơ chế Uỷ ban hỗn hợp về kinh tế giữa Việt Nam và Canada và hoạt động của hai Nhóm công tác. Hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược mới mà hai bên cùng quan tâm như an ninh năng lượng, công nghiệp và công nghệ của tương lai, kết nối hàng hải liên Thái Bình Dương... sẽ góp phần định hình tương lai quan hệ giữa hai nước.
Đồng thời, để nâng cao sức chống chịu; khả năng ứng phó với các thách thức của bối cảnh toàn cầu cũng như cùng nhau tạo ra các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế của hai nước, hai bên đã nhận thấy sự cần thiết đi vào các dự án thực chất và cụ thể để phát triển điện hạt nhân, hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản thiết yếu, dầu mỏ và LNG…
Đây cũng là những cơ hội đã được các doanh nghiệp của hai nước cùng khẳng định sự quan tâm tại Diễn đàn doanh nghiệp Canada-Việt Nam diễn ra tại Vancouver tháng 11/2024. Chắc chắn các hợp tác có mức độ cam kết sâu trong các lĩnh vực này sẽ là nền tảng góp phần xây dựng lòng tin chiến lược giữa hai quốc gia-tiền đề để nâng cấp quan hệ giữa hai nước lên đối tác chiến lược trong thời gian tới.