Tại khối thị trường Trung Đông, Ả-rập Xê-út đang là nhà nhập khẩu (NK) cá ngừ của Việt Nam lớn thứ 2 trong khối, sau Israel. Sau sự sụt giảm vào năm 2023, XK cá ngừ sang thị trường này liên tục tăng trưởng cao trong 4 tháng qua. Tính lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu (XK) cá ngừ sang Ả-rập Xê-út tăng 82% so với cùng kỳ, đạt hơn 4,7 triệu USD, tuy nhiên vẫn thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2022.
Ả-rập Xê-út là thị trường NK cá ngừ lớn thứ 2 tại Trung Đông. So với các thị trường trong khối Trung Đông, Ả-rập Xê-út yêu cầu về chất lượng cao hơn so với các thị trường khác.
Ả-rập Xê-út NK rất nhiều cá ngừ đóng hộp. Các sản cá ngừ đóng hộp phổ biến nhất tại Ả-rập Xê-út là cá ngừ đóng hộp nguyên khối (solid) chiếm 72% khối lượng, đứng thứ 2 là cá ngừ flake chiếm 11,5%, còn lại là các sản phẩm cá ngừ ăn liền giá trị gia tăng chiếm 2,2%. Trong đó, các sản phẩm được làm từ cá ngừ thịt sáng (cá ngừ vằn, cá ngừ vây vàng) chiếm khoảng 90%, còn lại là cá ngừ thịt trắng (cá ngừ albacore) chiếm 10%. Hầu hết là các sản phẩm ngâm dầu hướng dương, đóng gói 185 – 200gr. Các thương hiệu cá ngừ đóng hộp chính tại Ả-rập Xê-út là Goody, Boton, Green Farms, Geisha, California Garde và Rio Mare. Các siêu thị là kênh phân phối các sản phẩm cá ngừ chính tại Ả-rập Xê-út.
Tuy nhiên năm nay, cá ngừ đóng hộp của Việt Nam đang bị mất thị phần tại thị trường này. Giá trị XK các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang Ả-rập Xê-út giảm mạnh 52% so với cùng kỳ. Trái lại, năm nay các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh lại có xu hướng gia tăng.
Theo FAO, Ả-rập Xê-út là vùng thâm hụt thực phẩm lớn nhất thế giới và đang phải nhập khẩu 70% lương thực, thực phẩm. Do đó, an ninh lương thực là vấn đề nghiêm trọng tại các quốc gia này. Điều này đồng nghĩa, Liên đoàn Ả Rập sẽ tiếp tục phụ thuộc vào nhập khẩu thủy, hải sản và cắt giảm dần xuất khẩu để dồn sức phục vụ tiêu thụ nội địa. Do đó, đây sẽ là cơ hội cho các nước gia tăng XK.