| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Cam kết chung về lao động trong EVFTA- 5 lưu ý với doanh nghiệp Việt Nam

Tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế về lao động là nội dung luôn được đề cập đến trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

Ông Nguyễn Mạnh Cường- nguyên là Vụ trưởng, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chia sẻ trong Chương trình đào tạo xây dựng đội ngũ chuyên gia về Hiệp định EVFTA và các Hiệp định FTA thế hệ mới do Bộ Công Thương tổ chức : Vấn đề lao động trong thương mại quốc tế là một số tiêu chuẩn lao động gắn với quyền của người lao động. EVFTA không đưa ra các cam kết hay tiêu chuẩn lao động mới mà chỉ nhấn mạnh việc thực hiện hiệu quả các nghĩa vụ mà Việt Nam và EU đã cam kết với tư cách là Thành viên của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và các tiêu chuẩn lao động trong Tuyên bố 1998 của ILO về Các nguyên tắc và các quyền cơ bản tại nơi làm việc.

- Bảo đảm quyền tự do hiệp hội của lao động, người sử dụng lao động, người sử dụng lao động và quyền thương lượng tập thể thực chất

- Xóa bỏ lao động cưỡng bức

- Xóa bỏ lao động của trẻ em

- Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử trong công việc và trả công

(Ông Nguyễn Mạnh Cường- nguyên là Vụ trưởng, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, kiêm Cố vấn Bộ trưởng về các vấn đề lao động quốc tế)

5 lưu ý cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc thực hiện cam kết chung về lao động trong EVFTA

Thứ nhất, EVFTA quy định rõ ràng về quyền của người lao động, đảm bảo tiêu chuẩn làm việc và quyền lợi cho người lao động. Với nội dung này, Doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng đến tuân thủ các tiêu chuẩn lao động cơ bản, bao gồm: quyền tổ chức và thương lượng tập thể, cấm lao động cưỡng bức và lao động trẻ em, cũng như đảm bảo điều kiện làm việc an toàn và hợp lý. Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia nhiều công ước của ILO, nên doanh nghiệp cần đảm bảo tuân thủ các công ước này, nhất là liên quan đến quyền tự do thành lập công đoàn và quyền thương lượng tập thể.

Thứ hai, để đảm bảo khả năng cạnh tranh và tránh các biện pháp chế tài từ EU, các doanh nghiệp Việt Nam cần cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, cụ thể là đầu tư vào cơ sở hạ tầng, trang thiết bị an toàn tại nơi làm việc để giảm thiểu tai nạn lao động và đảm bảo sức khỏe cho người lao động.

Thứ ba, doanh nghiệp cần kiểm tra và giám sát toàn bộ chuỗi cung cứng của mình, từ nhà cung cấp nguyên liệu đến nhà sản xuất. Đảm bảo rằng tất cả các đối tác trong chuỗi cung cứng tuân thủ các quy định về lao động, tránh việc vi phạm pháp luật về lao động ở bất kỳ khâu nào

Thứ tư, là doanh nghiệp cần chủ động lắng nghe, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn và bất đồng, đảm bảo sự hài lòng và năng suất làm việc của người lao động. Đây là một yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp giải quyết các vấn đề tiềm ẩn về lao động có thể xảy ra.

Thứ năm, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) là một yếu tố mà nhiều đối tác châu Âu quan tâm. Đối với nội dung này, ông Nguyễn Mạnh Cường đã chia sẻ với các học viên: Trong thương mại quốc tế, CSR thường được phía doanh nghiệp nước ngoài (bên mua hàng hoặc bên đặt gia công) yêu cầu doanh nghiệp bán hàng hoặc gia công thực hiện một số về yêu cầu lao động và môi trường. Những yêu cầu này được đưa vào một văn bản gọi là Bộ quy tắc ứng xử (Code of conduct). Đại đa số có những nội dung chính gồm: Không sử dụng lao động trẻ em, không sử dụng lao động cưỡng bức, không phân biệt đối xử trong công việc và trong trả công, tôn trọng quyền công đoàn của người lao động, tôn trọng quyền thương lượng tập thể, quy định về thời giờ làm việc và làm thêm, quy định về trả lương, quy định về an toàn và sức khỏe lao động, an ninh việc làm, đào tạo và nâng cao tay nghề cho người lao động, nội dung khác như chống quấy rối tình dục, phòng ngừa ma túy tại nơi làm việc,… Việc thực hiện CSR, theo ông Cường nhấn mạnh là có lợi cho cả ba bên: doanh nghiệp khẳng định tuân thủ pháp luật nên tăng khả năng cạnh tranh, có đơn hàng; điều kiện lao động và quyền lợi cho người lao động được nâng cao; việc thực thi pháp luật được tốt hơn.

Có thể nói, với các cam kết lao động trong EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ cần đảm bảo tuân thủ quy định mà còn phải nhìn nhận đây là cơ hội để nâng cao hình ảnh và uy tín trên thị trường quốc tế, tạo tiền đề cho việc gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vietnamexport

Nội dung liên quan