| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Đôi nét về ngành bông của Bê-nanh

Cùng với hoạt động thương mại, ngành hàng bông là một trong những cột trụ của nền kinh tế Bê-nanh(Benin). Thật vậy, lĩnh vực này đóng góp 14% GDP về giá trị gia tăng và chiếm 60% mạng lưới công nghiệp quốc gia. Hiện nay Bê-nanh có khoảng 325.000 cơ sở khai thác bông, 27 xí nghiệp công nghiệp bông sử dụng 3500 lao động.

Mặt khác, trên tổng số dân khoảng 7 triệu có 3 triệu người có thu nhập tài chính từ cây bông. Cuối cùng, ngành này còn đóng góp 45% nguồn thu thuế (chưa tính thuế quan) của Nhà nước. Bông là sản phẩm xuất khẩu chính của Bê-nanh, chiếm từ 50% đến 75% xuất khẩu hàng năm của nước này. Năm 2011, dự kiến sản lượng bông sẽ đạt 220.000 tấn trong đó phần lớn dành cho xuất khẩu.

SONAPRA là Công ty Xúc tiến nông nghiệp quốc gia Bê-nanh, là tác nhân trung tâm của ngành hàng bông. Công ty này là của Nhà nước đảm nhiệm việc phân phối nguyên liệu đầu vào cho nông dân, mua hạt của những nhà sản xuất, vận chuyển đến các nhà máy tách hạt bông riêng. SONAPRA còn phụ trách việc xuất khẩu, quản lý các luồng tài chính bên trong ngành hàng. Việc tư hữu hoá công ty này nằm trong số những cuộc cải cách thực hiện trong khuôn khổ chương trình của Quỹ tiền tế quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Quá trình này đã bắt đầu từ năm 2003 thông qua việc chỉ định một ngân hàng thương mại và kêu gọi cạnh tranh. Tuy nhiên kể từ đó, quá trình đã giậm chân tại chỗ, thời điểm kết thúc việc tư nhân hoá đã phải lùi lại hai lần. Sự thiếu minh bạch xung quanh việc lựa chọn trước doanh nghiệp đã làm cho nhiều tập đoàn quốc tế lớn rút lui. Chính phủ mới lên nắm quyền từ năm 2006 đã cam kết hoàn thành việc tư hữu hoá vào tháng 5/2007.

* Tiềm năng phát triển ngành bông tại Bê-nanh

Hiện còn nhiều tiềm năng phát triển ngành này như chế biến hạt bông, thành lập các đơn vị công nghiệp trong lĩnh vực dệt, may mặc.

Bông của Bê-nanh được đánh giá rất cao vì có chất lượng đặc biệt. Hiện có 18 đơn vị tách hạt bông đang hoạt động trong đó 8 đơn vị thuộc lĩnh vực tư nhân và 10 thuộc Công ty Xúc tiến nông nghiệp quốc gia (SONAPRA). Công ty này đang có kế hoạch tư nhân hoá các đơn vị trực thuộc. Việc tư hữu hoá sẽ giúp tăng năng suất và lợi nhuận trong việc tách hạt bông và đa dạng hoá các ngành hàng liên quan.

Gần như toàn bộ sản lượng bông của Bê-nanh dành cho xuất khẩu. Hai lĩnh vực công nghiệp liên quan còn chưa được khai thác là sợi dệt và dầu chiết xuất từ hạt bông.

Sợi dệt : Mặc dù bông đã qua xử lý lần đầu tiên nhưng chỉ có 3% bông sợi được chế biến tại Bê-nanh.

Ở Bê-nanh chỉ có 5 nhà máy sợi và sản xuất bông thành phẩm. Đó là Label Coton Benin, Lion d'Or, Société des Industries Textiles, Société Beninoise de textile và Marlan's Filature SA.

Trong số các giống bông được nghiên cứu để sản xuất vải quần Jean, giống bông của Bê-nanh là tốt nhất.

Các chất dầu từ hạt bông còn ít được quan tâm khai thác. Mới có nhà máy Fludor được trang bị hiện đại đi đầu trong lĩnh vực này, mở ra một ngành hàng đầy triển vọng.

  * Nhập khẩu bông của Việt Nam từ Bê-nanh

Từ nhiều năm qua, để phục vụ nhu cầu sản xuất vải và quần áo trong nước, Việt Nam đã nhập khẩu mặt hàng bông từ Bê-nanh. Năm 2010, ta đã mua của nước này 3771 tấn bông với tổng trị giá 14,6 triệu USD.

 Hoàng Đức Nhuận

 

 

Thương vụ Việt Nam tại Morocco

Nội dung liên quan