| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Thị phần cà phê của Việt Nam tại Đài Loan năm 2022 còn khiêm tốn

Theo thống kê của Cơ quan quản lý Ngoại thương Đài Loan (BOFT), năm 2022, đảo này đã nhập khẩu về 42.987 tấn cà phê các loại (HS: 0901; Coffee, whether or not roasted or decaffeinated; coffee husks and skins; coffee substitutes containing coffee in any proportion) từ 68 đối tác trên toàn cầu, với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 297,2 triệu USD, tăng 5,18% về lượng và tăng 35,15% về giá trị so với năm 2021.

TOP 20 đối tác xuất khẩu cà phê cho Đài Loan trong năm 2022

                                              (Nguồn: BOFT)

Theo đó, Brazil là đối tác xuất khẩu cà phê lớn nhất vào Đài Loan trong năm 2022, với 11.549 tấn cà phê đã được Đài Loan nhập khẩu về từ Brazil, chiếm 26,86% tổng thị phần nhập khẩu của Đài Loan trong năm 2022, song kim ngạch nhập khẩu chỉ đạt 45,7 triệu USD, chiếm 16,14% thị phần.

Kế đến là Ethiopia (13,72% thị phần về lượng; 14,56% thị phần về giá trị); Colombia (11,14% thị phần về lượng; 12,28% thị phần về giá trị), Indonesia (10% thị phần về lượng; 6,21% thị phần về giá trị) và Guatemala (8,44% thị phần về lượng; 8,29% thị phần về giá trị).

Thống kê của BOFT cũng cho thấy, thị phần cà phê của Việt Nam tại Đài Loan năm 2022 còn khiêm tốn, chỉ chiếm 2,43% thị phần về lượng và 1,02% về thị phần về giá trị, cho thấy cách tiếp cận thị trường cà phê Đài Loan nhiều năm qua bằng sản phẩm chủ công của các doanh nghiệp là nhóm sản phẩm cà phê 3 trong 1 (3 in 1) mặc dù đã chiếm lĩnh được phần nào thị trường song thị phần còn khiêm tốn.

Về quản lý nhập khẩu, thuế quan nhập khẩu ưu đãi MFN dành cho các đối tác thành viên WTO như Việt Nam hiện là 0% và cà phê là một trong những sản phẩm nông sản, thực phẩm hiếm hoi có mức thuế quan nhập khẩu 0% vào Đài Loan.

Về biện pháp quản lý phi thuế quan: Khi nhập khẩu phải làm thủ tục kiểm dịch động thực vật (B01) và thủ tục kiểm nghiệm thực phẩm nhập khẩu (F01) theo quy định liên quan về kiểm dịch động thực vật và kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Như vậy, có thể nói các chính sách quản lý của Đài Loan là khá nới lỏng đối với cà phê và sản phẩm cà phê. Đây là điều kiện thuận lợi, tuy nhiên để một thương hiệu cà phê Việt Nam có thể đặt chân và đứng vững tại thị trường nước ngoài nói chung và tại Đài Loan nói riêng thì đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư và nỗ lực rất lớn.

Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc

Nội dung liên quan