| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Tình hình kinh tế, ngoại thương khu vực Kinki Nhật Bản tháng 02 năm 2025

Trong tháng 2⁄2025, tình hình kinh tế Nhật Bản tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan, chủ yếu nhờ hai động lực nổi bật là tăng lương diện rộng và gia tăng lượng du khách quốc tế. Về tiền lương, các kết quả thương lượng trong đợt xuân cho thấy mức tăng bình quân trên 5%, bao gồm cả phần tăng đều theo thâm niên (định kỳ) và nâng lương cơ bản.

1. Tình hình kinh tế Nhật Bản

Điểm đặc biệt năm nay là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đạt tỷ lệ tăng lương xấp xỉ những công ty lớn, cho thấy nỗ lực cạnh tranh nhân sự giữa các doanh nghiệp ngày càng gay gắt do tình trạng thiếu hụt lao động cấu trúc. Sự cải thiện thu nhập này góp phần nâng cao sức mua của người dân, thể hiện qua doanh số bán lẻ và các hoạt động tiêu dùng dịch vụ đều khởi sắc.

Bên cạnh đó, lĩnh vực du lịch đón nhận một lượng khách nước ngoài xấp xỉ 3,26 triệu người chỉ riêng trong tháng 2, dù giảm nhẹ so với tháng 1 do yếu tố mùa vụ (Tết Nguyên đán), song vẫn cho thấy đà tăng so với quý trước. Khách chủ yếu đến từ Đông Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông) và ASEAN, đóng góp tỷ trọng lớn vào chi tiêu du lịch, hỗ trợ mạnh cho ngành khách sạn, nhà hàng và bán lẻ. Trong khi đó, một số rủi ro bên ngoài vẫn tồn tại, đặc biệt là chính sách thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu có thể làm giảm sức cạnh tranh xuất khẩu của Nhật. Ngoài ra, xu hướng đồng yên mạnh lên kể từ đầu năm tạo ra hai tác động trái chiều: một mặt giúp giảm chi phí nhập khẩu, nhưng đồng thời làm xuất khẩu kém hấp dẫn hơn, nhất là trong các mặt hàng chủ lực như ô tô và linh kiện điện tử. Cùng lúc, áp lực lạm phát vẫn hiện hữu chủ yếu ở nhóm thực phẩm nội địa, do chi phí lao động và một phần chuỗi cung ứng nông sản gặp bất ổn, khiến giá tiêu dùng duy trì ở mức cao hơn so với mục tiêu 2% truyền thống.

2. Dự báo kinh tế trong Nhật Bản thời gian tới

Đối với giai đoạn nửa cuối 2025 và bước sang 2026, triển vọng chung của nền kinh tế Nhật Bản được đánh giá tương đối tích cực, nhất là khi nhu cầu nội địa đang có xung lực mạnh mẽ từ việc tăng lương và xu hướng tiêu dùng dịch vụ - du lịch vẫn trên đà phục hồi. Số lượng du khách quốc tế được dự báo chạm mốc 46 triệu lượt trong cả năm 2025, mang lại nguồn thu đáng kể từ hoạt động mua sắm, lưu trú và giải trí. Bên cạnh đó, nếu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung không leo thang thêm, xuất khẩu của Nhật có cơ hội tăng dần trở lại, nhất là ở mảng ô tô và máy móc thiết bị. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Nhật vẫn phải đối mặt với áp lực duy trì mức lương cạnh tranh để thu hút lao động trong bối cảnh già hóa dân số và thiếu hụt nhân sự trẻ. Về dài hạn, đây có thể trở thành thách thức cho lợi nhuận doanh nghiệp nếu không đi kèm tăng năng suất hoặc chuyển đổi mô hình sang ứng dụng công nghệ cao. Chính phủ Nhật Bản, theo đó, nhiều khả năng duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng ở mức độ vừa phải, đồng thời thúc đẩy gói hỗ trợ, cải cách nhằm khuyến khích đầu tư vào đổi mới kỹ thuật số, năng lượng tái tạo và phát triển hạ tầng du lịch. Nỗ lực này được kỳ vọng sẽ vừa kiểm soát lạm phát, vừa giữ cho kinh tế nội địa vững vàng trước biến động bên ngoài, từ đó tiếp tục nâng cao tính cạnh tranh của Nhật Bản trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động.

3. Tình hình ngoại thương của khu vực Kinki tháng 02/2025

Theo số liệu thống kê của Hải quan Nhật Bản, trong tháng 2/2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của khu vực Kinki  đạt 3.207.766 triệu yên (20,86 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu đạt 1.819.561 triệu yên (11,83 tỷ USD) tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 19,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản. Nhập khẩu đạt 1.388.185 triệu yên (9,03 tỷ USD) giảm 4,18% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 16,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản.

Xuất khẩu sang Mỹ đạt 295.776 triệu yên (1,92 tỷ USD) tăng 1,78% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu từ Mỹ đạt 137.842 triệu yên (0,9 tỷ USD) giảm 5,57% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang EU đạt 160.441 triệu yên (1,04 tỷ USD) giảm 4,96% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu từ EU đạt 176.317 triệu yên (1,15 tỷ USD) tăng 13,56% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang các nước châu Á của khu vực Kinki đạt 1.177.960 triệu yên (7,66 tỷ USD) tăng 18,18% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu từ các nước châu Á đạt 751.330 triệu yên (4,89 tỷ USD) giảm 8,65% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 413.807 triệu yên (2,69 tỷ USD) tăng 18,05% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 352.613 triệu yên (2,29 tỷ USD) giảm 10,88% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang ASEAN đạt 313.079 triệu yên (2,04 tỷ USD) tăng 14,26% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu từ ASEAN đạt 240.874 triệu yên (1,57 tỷ USD) giảm 9,86% so với cùng kỳ năm ngoái.

4. Quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản và Việt Nam – Kinki tháng 02/2025

Tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Nhật Bản tháng 02/2025 đạt 551.003 triệu yên (3,58 tỷ USD), trong đó xuất khẩu từ Nhật Bản đạt 231.702 triệu yên (1,51 tỷ USD) tăng 9,6% và nhập khẩu từ Việt Nam đạt 319.301 triệu yên (2,08 tỷ USD), tăng 7,4% so với năm trước. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Nhật Bản tháng đạt 1.168.811 triệu yên (7,6 tỷ USD), trong đó xuất khẩu từ Nhật Bản đạt 408.169 triệu yên (2,65 tỷ USD), nhập khẩu từ Việt Nam đạt 760.642 triệu yên (4,95 tỷ USD).

Theo thống kê của Hải quan vùng Kinki, Nhật Bản thì trong tháng 02/2025 tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và vùng Kinki đạt 124.051 triệu yên (807 triệu USD), trong đó xuất khẩu từ vùng Kinki đạt 65.491 triệu yên (426 triệu USD), tăng 33,83% so với cùng kỳ năm trước chiếm 3,6% trong tổng giá trị xuất khẩu của vùng Kinki. Nhập khẩu từ Việt Nam đạt 58.560 triệu yên (381 triệu USD), giảm 3,24% và chiếm 4,22% trong tổng giá trị nhập khẩu của vùng Kinki. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và vùng Kinki đạt 257.518 triệu yên (1,67 tỷ USD), trong đó xuất khẩu từ vùng Kinki đạt 114.920 triệu yên (0,75 tỷ USD), nhập khẩu từ Việt Nam đạt 142.598 triệu yên (0,93 tỷ USD).

Về cơ bản ngoại thương vùng Kinki tháng 02/2025 như sau: kim ngạch xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng tăng liên tục 05 tháng liên tiếp, nhập khẩu tăng 03 tháng liên tiếp. Trong đó xuất khẩu với khu vực Châu Á tăng liên tiếp 12 tháng gần đây, xuất khẩu với EU và Trung Quốc tăng liên tiếp 3 tháng, nhập khẩu với Châu Á, EU và Trung Quốc đều tăng liên tiếp 3 tháng. Xuất khẩu từ Việt Nam sang khu vực Kinki tăng 3 tháng liên tiếp, trong khi đó nhập khẩu tăng tháng thứ 13 liên tiếp. Nhìn chung về cơ bản tổng giá trị kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với khu vực Kinki nói riêng và Nhật Bản nói chung năm nay tiếp tục đà tăng trưởng tốt trong năm 2025.

Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản

Nội dung liên quan