Hội thảo khai thác thị trường EVFTA tại Quảng Nam do Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ do Bộ Công Thương tổ chức
Thị trường “ngách” đầy tiềm năng
Trao đổi trong Hội thảo về khai thác các thị trường EVFTA chiều 15/11, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu và Lavita, cho biết, vấn đề bảo vệ môi trường, tiêu dùng xanh, sản xuất bền vững luôn là chủ đề rất nóng trong hầu hết tất cả các diễn đàn tại Bắc Âu. Xu hướng này ảnh hưởng rất lớn đến hành vi người tiêu dùng vốn đã quan tâm đến môi trường, nay càng được quan tâm hơn sau đại dịch.
Một nghiên cứu của tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) cho thấy, lượng khí thải từ chăn nuôi chiếm tới 17% tổng lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính tại EU, gây hại hơn tất cả các loại ô tô đang lưu hành tại châu lục.
Do vậy, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng tiêu thụ sản phẩm hữu cơ với phương pháp sản xuất ít tác động tới môi trường, giảm tiêu thụ thịt, tăng tiêu thụ thủy sản và các sản phẩm thay thế thịt. Các sản phẩm từ thực vật với hàm lượng protein cao vì thế cũng được đón nhận.
“Hiện sản phẩm mít xanh đóng hộp đang được nhiều doanh nghiệp Bắc Âu tìm kiếm, đây lại là sản phẩm rất nhiều ở Việt Nam mà chúng ta có thể khai thác. Đó là ví dụ cho thấy những sản phẩm thực phẩm giàu protein dùng để thay thế thịt đang được đón nhận và người tiêu dùng Bắc Âu lựa chọn sản phẩm này chỉ để bảo vệ môi trường. Giới trẻ ở khu vực Bắc Âu hiện ăn chay rất nhiều”, bà Thúy cho biết.
Cũng theo vị tham tán, với các sản phẩm sinh hoạt, người Bắc Âu ưa chuộng những món đồ đơn giản, tiện dụng, có thể sử dụng được nhiều lần và dùng các nguyên liệu tái chế. Hiện nhiều nước EU bắt đầu cấm sử dụng các sản phẩm dùng một lần như thìa, dĩa, cốc nhựa… Vì vậy, nếu doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang khu vực này cần lưu ý trong việc đóng gói, thiết kế bao bì.
“Chúng tôi thường nói rằng, người tiêu dùng Bắc Âu thậm chí quan tâm đến bao bì, nhãn mác còn hơn chính sản phẩm. Tôi ở Bắc Âu một thời gian cũng đã hình thành thói quen khi đi chợ đều đọc rất kĩ nhãn mác xem sản phẩm có thân thiện môi trường hay không, có phải là sản phẩm hữu cơ hay không. Do đó, những sản phẩm dán nhãn sinh thái sẽ được đón nhận rất tích cực ở Bắc Âu”, vị tham tán cho biết.
Thị trường Bắc Âu tuy là thị trường nhỏ, địa lý xa xôi nhưng lại có thu nhập đầu người cao nhất thế giới, kim ngạch xuất nhập khẩu ấn tượng (400-500 tỷ USD/năm), nhập khẩu luôn tăng trưởng ổn định.
Năm ngoái, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước Bắc Âu đạt khoảng 2,85 tỷ USD và 9 tháng đầu năm, con số này là 2,4 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Bắc Âu đạt 1,7 tỷ USD, tăng 25%. So với các nước ASEAN, Việt Nam cũng là nước xuất khẩu nhiều nhất sang Bắc Âu, nhưng thị phần cũng chỉ chiếm 1%.
Theo bà Thúy, các doanh nghiệp khi đi sau cần tìm ra hướng mới, “đánh” vào các thị trường “ngách” ở Bắc Âu. Ví dụ đa phần các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cho người thuận tay phải, nhưng một doanh nghiệp tại San Francisco (Mỹ) khai thác thị trường “ngách” chiếm 10% là sản xuất sản phẩm cho người thuận tay trái, và họ rất thành công.
Hay hiện ở Bắc Âu đang ủng hộ những người thuộc giới tính thứ 3, đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm như trang phục, phụ kiện cho nhóm khách hàng này. Hoặc câu chuyện của IKEA là minh chứng thành công cho việc sản xuất sản phẩm nội thất giúp khách hàng tự lắp đặt tại nhà.
Thách thức và cơ hội đan xen
Ông Đặng Bùi Khuê, Giám đốc Đào tạo Bureau Veritas tại Việt Nam (Tập đoàn tư vấn kiểm định chất lượng hàng hóa xuất khẩu tại 150 quốc gia) mục tiêu của EU hiện nay là loại bỏ văn hóa ‘tiêu thụ và vứt bỏ’, loại bỏ các sản phẩm có vòng đời ngắn và đang nỗ lực thay thế ‘nền kinh tế tạo rác’ bằng ‘nền kinh tế tuần hoàn’.
Ví dụ trong ngành dệt may, EU tăng cường thực thi việc bài trừ các hành vi quảng cáo sai lệch về thời trang bền vững “greenwashing”. Nhiều nước đã cấm đốt hoặc chôn lấp quần áo không bán được hay có yêu cầu nghiêm ngặt đối với các hóa chất không mong muốn và cấm sử dụng…
Đối với sản phẩm nông nghiệp, EU là nước có yêu cầu cao về quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật và luôn được cập nhật thường xuyên. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu, còn sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật hay khó khăn về công nghệ bảo quản. Do đó, theo ông Khuê, các mặt hàng muốn được hưởng ưu đãi thuế quan và thuận lợi vào được thị trường EU phải điều chỉnh phương thức sản xuất gắn liền với tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của EU và các tiêu chuẩn được GFSI công nhận.
Thông tin về những thách thức và cơ hội tăng trưởng thương mại Việt Nam – EU, bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết, EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới, quy mô nhập khẩu khoảng 2,1 nghìn tỷ EUR/năm (2021).
Tuy vậy, thị phần hàng hóa của Việt Nam mới chiếm khoảng 2%. Đây là cơ hội để hàng Việt tiếp tục thâm nhập và mở rộng thị thị trường này khi cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai bên mang tính bổ trợ, không cạnh tranh trực tiếp. Cùng với đó, hàng Việt có thuận lợi khi hưởng lộ trình cắt giảm thuế quan từ EVFTA, tiếp tục tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn.
Tuy vậy, EU ngày càng tăng cường áp dụng hàng rào phi thuế quan, siết chặt các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường, khí hậu, xã hội, phát triển bền vững, chú trọng truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, theo bà Hiền, việc tiếp tục củng cố, phát triển thị phần tại các thị trường lớn, thị trường cửa ngõ tại EU cũng như mở rộng tìm hiểu khảo sát, khai thác các thị trường mới, thị trường ngách tại khu vực, điển hình như tại Đông Âu, Bắc Âu, Nam Âu ngày càng cần thiết.
(Theo báo doanh nhân trẻ)