| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Sắp diễn ra Hội thảo phổ biến, nâng cao nhận thức và kỹ năng phát triển thị trường trong thương mại điện tử xuyên biên giới

Dự kiến, Hội thảo có sự tham gia của khoảng 200 đại biểu đến từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới; các hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, xuất nhập khẩu trên toàn quốc.

Thương mại điện tử hiện đang là một thị trường phát triển mạnh mẽ với trên 4 tỷ người sử dụng Internet, trong đó số lượng người tham gia kinh doanh thương mại điện tử lên tới 600 triệu người. Theo Emarketer, mỗi ngày có khoảng trên 120 triệu giao dịch thương mại điện tử diễn ra trên toàn cầu. Trong xu hướng hoàn cầu hóa, thương mại điện tử xuyên biên giới (TMĐTXBG) nhanh chóng trở thành nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu và là xu thế tất yếu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc. TMĐTXBG được phát triển trên nền tảng thương mại quốc tế truyền thống kết hợp với TMĐT đang trở thành trào lưu của các quốc gia có nền tảng thương mại điện tử phát triển như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... và lan rộng tới các quốc gia đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Việt Nam...

Tại khu vực Đông Nam Á, theo số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường Statista, tỷ trọng TMĐTXBG trung bình của Đông Nam Á tăng từ 74 tỷ USD năm 2020 lên 120 tỷ USD năm 2021. Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng đạt trung bình 37,7%/năm, cao hơn mức trung bình toàn cầu 27,4%/năm. Dự báo, doanh thu TMĐT năm 2025 tại khu vực Đông Nam Á dự kiến đạt 234 tỷ USD.

Tại Việt Nam, lĩnh vực TMĐT tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm. Năm 2024, dự báo quy mô thị trường thương mại điện tử đạt 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Tỷ trọng về thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị của nền kinh tế số Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử, kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng hai con số vững chắc, thuộc Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế số và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Sự mở rộng phạm vi và quy mô thị trường khiến TMĐT Việt Nam ngày càng được mở rộng và hiện đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được nhiều doanh nghiệp và người dân biết đến. Sự đa dạng về mô hình hoạt động, về đối tượng tham gia, về quy trình hoạt động và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ với sự hỗ trợ của hạ tầng Internet và ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa TMĐT trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số của quốc gia. Từ đó, các doanh nghiệp Việt ngày càng ý thức hơn về việc làm sao để bán được sản phẩm ra nước ngoài, đặc biệt là các sản phẩm mang tính chất đặc thù của Việt Nam như nông sản, tiểu thủ công mỹ nghệ… để giảm phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch.

Theo báo cáo mới nhất của Access Partnership, giá trị xuất khẩu TMĐT B2C Việt Nam năm 2023 đạt 86 nghìn tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ đóng góp 26%. Đáng chú ý, 93% các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ được khảo sát cho rằng họ không thể xuất khẩu nếu không có TMĐT. Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 cũng nhấn mạnh định hướng hỗ trợ phát triển TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam. Những tín hiệu tích cực này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang ở vị thế tốt để nắm bắt cơ hội xuất khẩu qua TMĐT, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế số quốc gia.

Khảo sát của Bộ Công Thương và của các công ty nghiên cứu thị trường trên toàn cầu cho thấy Việt Nam ngày càng tham gia tích cực vào thương mại điện tử xuyên biên giới. Phương thức mua hàng xuyên biên giới được dự đoán tăng nhanh trong thời gian tới, đặc biệt đối với khách hàng giới trẻ, ưa chuộng và bắt nhịp nhanh với các xu hướng mới trên thế giới. Thực tế phát triển cho thấy, trong 5 năm qua, hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu và mở rộng hoạt động kinh doanh toàn cầu thông qua các sàn giao dịch TMĐT lớn trên thế giới như Amazon, Alibaba… Các doanh nghiệp không chỉ bán sản phẩm, mà còn tập trung xây dựng thương hiệu và củng cố sự hiện diện của mình trên trường quốc tế. Theo số liệu từ Amazon, số lượng sản phẩm bán ra trên Amazon từ các đối tác bán hàng Việt Nam tăng hơn 300%; số lượng các đối tác bán hàng Việt Nam tham gia Chương trình Đăng ký thương hiệu (Brand Registry) của Amazon tăng gấp 35 lần.

Những con số triển vọng trên đã chứng minh, các doanh nghiệp Việt ngày càng ý thức hơn về việc làm sao để bán được sản phẩm ra nước ngoài, đặc biệt là nông sản để giảm phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch. Nhất là trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0, việc bán hàng ra nước ngoài đã dễ dàng và thông thương hơn, tiết giảm nhiều thời gian và chi phí so với giai đoạn trước.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội phát triển, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và mở rộng thị trường tiềm năng nhờ vào TMĐTXBG vẫn tồn tại những bất cập đối với các doanh nghiệp Việt Nam như: thông tin, năng lực, chi phí, quy định... Báo cáo của Amazon cho biết, 80% doanh nghiệp cho rằng thiếu thông tin về các quy định liên quan của thị trường nước ngoài; 85% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng họ gặp rào cản về năng lực cạnh tranh trong khu vực và trên toàn cầu; 81% doanh nghiệp thừa nhận chưa được chuẩn bị để đáp ứng được sở thích và tâm lý của người tiêu dùng nước ngoài.

Câu chuyện làm sao để bắt đầu bán hàng trên sàn thương mại điện tử cũng như thâm nhập vào các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU,… cũng được rất nhiều các doanh nghiệp quan tâm, bởi nhu cầu cũng như thói quen tiêu dùng cùng các yếu tố khác liên quan đến nhân khẩu học của các khách hàng quốc tế tại các thị trường khác nhau là rất đa dạng.

Trong bối cảnh đó, Hội thảo phổ biến, nâng cao nhận thức và kỹ năng phát triển thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới dự kiến được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức ngày 17 tháng 12 năm 2024 hứa hẹn sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp những kiến thức, kỹ năng nhất định nhằm tạo lợi thế trong hành trình chinh phục thị trường quốc tế thông qua thương mại điện tử. Sự kiện không chỉ là nơi chia sẻ kiến thức mà còn là cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới, góp phần tạo ra những bước chuyển mình mạnh mẽ hơn cho thương mại điện tử Việt Nam trong thời gian tới.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số

Nội dung liên quan