| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử trong phát triển ngành hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nhờ sự đa dạng ngành nghề và giàu tài nguyên. Hiện nay, Việt Nam có hơn 5.400 làng nghề và làng nghề truyền thống, với tổng doanh thu của các làng nghệ này khoảng 75 nghìn tỷ đồng.

Đến nay, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã tăng từ 1,62 tỉ USD năm 2015, lên 2,23 tỉ USD năm 2019. Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 3,5 tỷ USD.

Các thị trường xuất khẩu chủ lực bao gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, và một số quốc gia ở khu vực Trung Đông. Việt Nam đang phấn đấu kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sẽ đạt 4 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, nhìn vào tiềm năng và quy mô của ngành thủ công mỹ nghệ, con số này vẫn còn quá thấp so với các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc hay Ấn Độ…

Hàng thủ công mỹ nghệ nằm trong nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam

Theo ông Tôn Gia Hóa- Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam nhận định: "Mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ chưa cao bằng nhiều mặt hàng khác, nhưng theo thống kê, cứ 1 triệu USD xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ mang lại lợi nhuận gấp 5-10 lần so với nhiều mặt hàng xuất khẩu khác. Cho thấy giá trị thực thu từ việc xuất khẩu mặt hàng này lại rất cao”. Sự khác biệt của hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam chính là dựa trên các yếu tố sản xuất bền vững trên toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm hàng thủ công.

Những năm gần đây, hàng thủ công mỹ nghệ luôn nằm trong nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam. Đặc biệt, việc Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) như: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)… đã và đang tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi để các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu và có cơ hội tham gia vào các thị trường tiềm năng. 

Cùng với xu hướng người tiêu dùng hướng tới sử dụng các vật liệu tự nhiên đang góp phần thúc đẩy nhu cầu sử dụng các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ. Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, năm 2024, thị trường sản phẩm thủ công mỹ nghệ toàn cầu hướng đến con số 1.107 tỷ USD và dự báo sẽ đạt 2.394 tỷ USD vào năm 2032. Điều này cho thấy, thị trường xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ còn nhiều tiềm năng và là cơ hội cho hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, gia tăng giá trị, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm.

Thách thức và giải pháp trong phát triển ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam

Tuy nhiên, các làng nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam hiện tại vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, các làng nghề thủ công mỹ nghệ chưa có chiến lược marketing rõ ràng, nhiều cơ sở sản xuất vẫn dựa vào phương thức truyền thống và chưa áp dụng các công cụ marketing hiện đại. Thiếu thông tin thị trường, do đó các nhà sản xuất thường không nắm rõ nhu cầu và xu hướng của thị trường quốc tế. Xây dựng thương hiệu còn khó khăn, do đó nhiều sản phẩm chưa được định danh thương hiệu, dẫn đến sự cạnh tranh không hiệu quả.

Để gia tăng xuất khẩu và vị thế trên thị trường thế giới, trong thời gian tới, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam cần tập trung vào các giải pháp như: Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong thiết kế mẫu mã và sản xuất, xúc tiến thương mại, xây dựng mạng lưới tiêu thụ, xuất khẩu và nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các hiệp hội; Tập trung phát triển các làng nghề sản xuất những sản phẩm có giá trị kinh tế, hàm lượng văn hóa cao, có tiềm năng xuất khẩu lớn; Cung cấp thông tin thường xuyên về thị trường, những quy định về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, thị hiếu tiêu dùng để cơ sở sản xuất làng nghề có định hướng sản xuất, xuất khẩu phù hợp; Tiếp tục tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng dạy học, thiết kế mẫu mã sản phẩm và xu hướng thị trường; khuyến khích, hỗ trợ nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo, truyền nghề cho người lao động; Các làng nghề cần đầu tư vào xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; Ứng dụng công nghệ số. Sử dụng các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội để quảng bá sản phẩm và tiếp cận khách hàng toàn cầu.

VietnamExport (tổng hợp)

Nội dung liên quan