Hiệp định liên kết giữa Ucraina và EU (HĐ LK Ucraina - EU) đã được 27 nước thành viên EU phê chuẩn. Ngày 21 tháng 4 năm 2016, HĐ LK Ucraina - EU về cơ bản bắt đầu có hiệu lực. Thời gian thực hiện đầy đủ Hiệp định được các Bên cam kết trong vòng 7 năm.
Về ngắn hạn: do hệ thống hành chính chưa được cải cách nhiều, hạ tầng cơ sở còn yếu kém, hàng hóa Ucraina chưa đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu, nên Ucraina sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế, các nước EU chưa phải là thị trường đối với hàng hóa từ Ucraina, mà ngược lại, Ucraina sẽ mở ra một thị trường tiêu thụ hấp dẫn cho hàng hóa từ các nước EU.
Về dài hạn: làn gió hội nhập với EU sẽ tạo áp lực đối với Ucraina, buộc Ucraina phải cải cách hành chính, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, nền sản xuất hàng hóa phải thay đổi để đáp ứng với tiêu chuẩn các nước EU, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa sẽ được nâng cao. Nển kinh tế Ucraina sẽ được phát triển tốt hơn. Theo đánh giá của các chuyên gia, về dài hạn, phúc lợi của người dân sẽ được tăng lên 12%.
Tuy nhiên, khi HĐ LK Ucraina - EU bắt đầu có hiệu lực, Ucraina đã và đang gặp những khó khăn, áp lực từ phía Nga cũng như Liên minh kinh tế Á-Âu.
Ucraina và Nga có Hiệp định thương mại tự do song phương kí năm 1993 và Hiệp định thương mại tự do đa phương giữa Ucraina và một số nước SNG kí năm 2011 (Ucraina phê chuẩn 2012) đã đem lại nhiều lợi ích cho các bên, trong đó có Ucraina, thông qua việc miễn thuế nhập khẩu cho nhiều mặt hàng khác nhau. Khi Ucraina bắt đầu thực hiện Hiệp định EU-Ucraina, để bảo vệ lợi ích của mình, tránh việc hàng từ EU qua Ucraina vào nga, Nga tuyên bố áp dụng thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Ucraina.
Nga là bạn hàng rất quan trọng của Ucraina, tính riêng trong vòng 03 năm (2012-2015), Ucraian bị thiệt hại 98 tỉ USD do bị hạn chế buôn bán với Nga. Kim ngạch XNK Ucraina – Nga năm 2012 chiếm 24,3% kim ngạch XNK chung của Ucraina, đến năm 2015 chỉ còn mức 12,7%.
Việt Nam nên tận dụng thời cơ để xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản vào Nga. Chiến tranh “thương mại” giữa Nga và Ucraina là cơ hội cho sản phẩm nông sản của Việt Nam tiếp cận, tăng thị phần tại Nga. Doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để đưa sản phẩm có thế mạnh của mình vào thị trường tiềm năng này. Hiện nay, Thương vụ Việt Nam tại Nga đã và đang kết hợp với Vụ thị trường Châu Âu hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa sản phẩm nông sản vào chuỗi bán lẻ X5 Retail Group (www.x5.ru) với hơn 16 ngàn cửa hàng (siêu thị) thực phẩm tại các địa phương của Liên bang Nga. Tuy nhiên, đến nay đơn chào hàng của Việt Nam còn ít cả về số lượng doanh nghiệp tham gia và chủng loại hàng. Phải chăng, đã đến lúc các doanh nghiệp của ta cần tận dụng hơn nữa cơ hội này./.
(Phạm Quang Niệm-Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại LB Nga)