Ngay từ cuối năm 2002, theo thông tin từ Bộ Công nghiệp và Du lịch Tây Ban Nha, Chính phủ Tây Ban Nha đã thông qua một Dự án chiến lược phục hồi và chuyển đổi kinh tế để giảm thải carbon trong sản xuất công nghiệp, tuân thủ cam kết hỗ trợ ngành chuyển đổi sang các mô hình và quy trình sản xuất thân thiện với môi trường hơn và góp phần hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Các cơ sở được hưởng lợi từ dự án này là ngành sản xuất, trong đó có sản xuất sản phẩm khoáng sản phi kim loại (bao gồm gốm sứ, thủy tinh, xi măng…), hóa chất, lọc dầu, luyện kim và sản xuất giấy và bột giấy, và những nhà máy đốt lớn trong các lĩnh vực khác ví dụ như trong ngành chế biến thực phẩm và đồ uống. Các kế hoạch hành động đang được thực hiện trong giai đoạn 2023-2026 trong khi các dự án cụ thể có thể được kết thúc muộn hơn.
Trong khuôn khổ dự án cung cấp tổng vốn đầu tư 11,6 tỷ Euro, với sự đóng góp của khu vực công là 3,1 tỷ Euro, được phân bổ đều cho các lĩnh vực khác nhau. Đây là hình thức hợp tác công - tư bao gồm tất cả các biện pháp thúc đẩy các dự án có mục đích giảm thải carbon trong các quy trình sản xuất của các công ty. Các dự án được hỗ trợ tài chính theo các bước xử lý sau:
- Vốn hỗ trợ của chương trình hành động tích hợp nhằm giảm thải carbon trong ngành sản xuất, bao gồm khoản tài chính công trị giá 2,3 tỷ Euro, trong đó 800 triệu Euro ở dạng trợ cấp và 1,5 tỷ Euro được phân bổ một cách hiệu quả dưới dạng khoản vay để thực hiện từ năm 2023 trở đi.
- Ủy ban châu Âu ủy quyền cho các công ty sản xuất tham gia vào dự thảo lợi ích chung của châu Âu về chuỗi sản xuất hydro từ nguồn gốc tái tạo với nguồn tài chính công 450 triệu Euro dưới hình thức trợ cấp từ năm 2023 (nội dung này đã được quy định chi tiết tại Sắc lệnh hoàng gia 251/2023 ban hành ngày 4 tháng 4 năm 2023).
- Khảo sát và đánh giá quỹ hỗ trợ phát triển cho các hợp đồng về giảm thải và thực hiện dự án thí điểm, trong đó có nguồn vốn công 100 triệu Euro chi cho phát triển dự án thí điểm.
- Hỗ trợ phát triển các cơ sở sản xuất mới, hiệu quả cao và giảm thải carbon với nguồn vốn công là 150 triệu Euro dưới dạng trợ cấp và 100 triệu Euro là cho vay.
Các khoản đầu tư vào quá trình giảm thải carbon và hiện đại hóa ngành sản xuất được thúc đẩy thông qua Dự án chiến lược phục hồi và chuyển đổi kinh tế này sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của ngành lên khoảng 10% và tạo ra tới 8.000 việc làm. Ngoài ra, theo ước tính của Bộ Công nghiệp, Thương mại và Du lịch trước đây (nay là Bộ Công nghiệp và Du lịch), dự kiến mức giảm phát thải có thể đạt tới 13 triệu tấn CO2 mỗi năm.
Các mục tiêu của quá trình giảm thải carbon trong các ngành sản xuất công nghiệp lớn được khái quát như sau:
- Quá trình giảm thải carbon trong các quy trình sản xuất bảo đảm cho các ngành công nghiệp tồn tại và phát triển trong trung và dài hạn.
- Cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, thông qua việc kết hợp các công nghệ và hệ thống quản lý năng lượng tốt nhất hiện có vào các ngành công nghiệp.
- Nâng cao năng lực cạnh tranh của sản xuất. Ngành công nghiệp sản xuất đang phải đối mặt với thách thức lớn trong việc giảm lượng khí thải và để duy trì tính cạnh tranh thì điều cần thiết là phải hỗ trợ đầu tư vào quá trình giảm thải carbon.
- Thúc đẩy an ninh năng lượng của Tây Ban Nha với ngành công nghiệp sản xuất chiếm 30% lượng tiêu thụ khí đốt tự nhiên ở Tây Ban Nha (59%, không bao gồm sản xuất điện), việc giảm mức tiêu thụ sẽ rất quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng của Tây Ban Nha.
- Thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo, theo đó sẽ có thể giảm lượng khí thải đồng thời giúp giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
- Thúc đẩy việc nâng cấp môi trường để hỗ trợ việc sử dụng các sản phẩm phụ và thu hồi chất thải để tích hợp chúng vào các quy trình khác và do đó giảm tác động đến môi trường của sản phẩm trong suốt vòng đời của chúng.
- Cuối cùng là tạo việc làm có giá trị gia tăng cao. Quá trình giảm thải carbon trong ngành sẽ đi kèm với việc đào tạo thêm nhiều các chuyên gia là những người sẽ có năng lực cần thiết để triển khai các công nghệ sạch hơn sau này.