| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tăng mạnh

4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tăng mạnh, dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trưởng khi tiêu dùng tại nhiều thị trường có tín hiệu tốt lên.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 4 năm 2024 đạt 1,36 tỷ USD, tăng 4,7% so với tháng trước và tăng 24,67% so với cùng kỳ năm 2023, nâng tổng kim ngạch mặt hàng này 4 tháng đầu năm đạt 4,89 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam, với kim ngạch tháng 4 năm 2024 đạt 768,54 triệu USD, tăng 21,99% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng kim ngạch 4 tháng đạt 2,66 tỷ USD, tăng 31,86%.

Trung Quốc xếp thứ 2 với kim ngạch 4 tháng năm 2024 đạt 667,76 triệu USD, tăng 38,26% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhật Bản đứng thứ 3 về kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, ứng với 541,93 triệu USD, giảm nhẹ 2,43% so với 4 tháng năm 2023. 3 thị trường này chiếm 79% kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Nhìn chung, hầu hết các thị trường lớn đều có sự tăng trưởng về kim ngạch, đáng chú ý so với 4 tháng năm 2023, Ấn Độ là thị trường duy nhất có sự tăng trưởng trên 100%, cụ thể đạt 43,67 triệu USD, tăng 106,30%, Hà Lan tăng 48,88%, đạt 34,94 triệu USD, Canada tăng 29,17%, đạt 77,52 triệu USD,… Ở chiều ngược lại, Singapore và Đài Loan là hai thị trường có sự sụt giảm lớn về kim ngạch, tương ứng 10,49 triệu USD, giảm 15,95% và 18,84 triệu USD, giảm 21,99%.

Nhìn lại "bức tranh" của ngành gỗ trong 4 tháng đầu năm, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho hay, tiêu dùng hàng hóa tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, châu Âu đang đón những tín hiệu tốt dần lên, nhờ đó thúc đẩy các đơn hàng xuất khẩu tăng, trong đó có nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ.

Theo ghi nhận từ hiệp hội, đơn hàng của doanh nghiệp trong quý I/2024 khá lạc quan. Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 6, thậm chí có doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đến cuối năm 2024. Rất khác so với năm 2023, năm 2024 mở đầu với sức mua của thị trường thế giới ấm dần và ngành gỗ đang đón những tín hiệu tích cực.

Việt Nam với vị thế thuộc nhóm các nước có tỷ trọng xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới, ngành gỗ Việt Nam đã mở rộng thị trường xuất khẩu, thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và ngày càng hiện diện nhiều hơn tại các thị trường mới nổi như UAE, Ấn Độ...

Cùng với đó, ngành gỗ vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn khi các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam ngày càng yêu cầu chặt chẽ việc kiểm soát nguồn gốc gỗ đảm bảo hợp pháp, không làm ảnh hưởng đến suy thoái, mất rừng, sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính… Nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ sản phẩm hàng hóa ngày càng gia tăng; cạnh tranh thương mại diễn ra phức tạp cũng là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam.

VietnamExport (tổng hợp)

Nội dung liên quan