| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Tổng quan tình hình kinh tế xã hội Nigeria trong 5 tháng năm 2020

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 tại Nigeria từ đầu tháng 3/2020, đã tác động đáng kể đến các vấn đề kinh tế và xã hội tại Nigeria. Tính đến ngày 05/07/2020, Nigeria ghi nhận 28.167 ca bị dương tính Covid-19, trong đó có 11.462 ca đã khỏi bệnh, có 634 người chết.

Tổng quan tình hình kinh tế xã hội Nigeria trong 5 tháng năm 2020

Quày bánh kẹo tại siêu thị Shoprite Nigeria, trong đó nhập khẩu bánh Cosy Kinh Đô và LAMOSA của Việt Nam

 

Nền kinh tế Nigeria đã chịu tác động rất lớn khi giá dầu thế giới chứng kiến sự sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nguồn thu của Chính phủ năm 2020 từ lĩnh vực dầu khí được dự báo sẽ sụt giảm khoảng (-) 90%. Trong lĩnh vực Hải quan và Thuế cũng giảm lần lượt là (-) 0,8% và (-) 1%. Lạm phát của nước này tiếp tục xu hướng tăng đạt mức 12,4% trong tháng 5/2020 so với mức 12,3% của tháng trước đó và là mức cao nhất kể từ tháng 4/2018. Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) do Ngân hàng trung ương Nigeria công bố tháng 4/2020 đứng ở mức rất thấp 42,4 điểm do sự sụt giảm mạnh về sản lượng, đơn hàng xuất khẩu và  đơn hàng mới.

     

Hoạt động xuất nhập khẩu, cung ứng hàng hóa và đầu tư đã bị ảnh hưởng do lệnh phong tỏa, hạn chế di chuyển, đóng cửa sân bay của Chính phủ Nigeria và Chính phủ các nước trên thế giới. Thu hút đầu tư nước ngoài của nước này trong 3 tháng đầu năm 2020 đạt 5,85 tỷ USD, giảm 31,19% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự trữ ngoại hối đứng ở mức thấp 35,7 tỷ USD trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tăng trưởng GDP của Nigeria trong QI/2020 đạt 1,87% so với mức 2,1% trong QI/2019. Theo Quỹ tiền tệ thế giới (IMF), dự báo GDP của Nigeria sẽ tăng trưởng âm (-) 3,4% năm 2020 do tác động của Covid-19.

       

Để ngăn chặn đại dịch, Chính quyền của Tổng thống Muhammadu Buhari đã tiến hành nhiều biện pháp quan trọng từng giai đoạn: Giai đoạn 1: (i) phong tỏa các ổ dịch lớn tại thủ đô Abuja và các bang Lagos, Ogun; (ii) cấm di chuyển giữa các bang đối với các hoạt động không thiết yếu; (iii) yêu cầu tất cả người dân ở trong nhà và thực hiện làm việc online đối với các ngành nghề không thiết yếu; (iv) đóng cửa sân bay đối với các chuyến bay nội địa và quốc tế. -Giai đoạn 2: (i) gỡ bỏ phong tỏa một phần tại thủ đô Abuja và các bang Lagos, Ogun; (ii) thực hiện lệnh giới nghiêm toàn quốc từ 8h tối hôm trước tới 6h sáng hôm sau đối với hoạt động không thiết yếu; (iii) yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng và cơ sở tôn giáo; (iv) khôi phục dần các chuyến bay nội địa bắt đầu từ ngày 21/6/2020. Biện pháp nới long lệnh phong tỏa, đã tạo điều kiện tốt hơn cho người dân trong các hoạt động như di chuyển, kinh doanh và giảm áp lực về cuộc sống cho những người lao động nghèo trong xã hội.

 

Hoạt động của nhóm khủng bố Boko Haram tại khu vực phía Đông Bắc, sự trỗi dậy của nhóm các tay súng “Bandits” phía Tây Bắc, gây ra tình trạng bất ổn về anh ninh và tác động tiêu cực tới sự phát triển kinh tế của khu vực này. Bất bình đẳng về thu nhập giữa các tầng lớp trong xã hội đã được nhìn nhận rõ ràng hơn qua sự bùng phát của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng xấu đến nỗ lực giảm nghèo của Chính phủ Nigeria. Đa số người dân số Nigeria vẫn sống trong nghèo đói, không được hưởng các dịch vụ cơ bản, thiếu cơ hội việc làm. Ngành dầu mỏ bị ảnh hưởng nặng nề khi giá dầu ở mức thấp trong 6 tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

     

Nhằm hỗ trợ nền kinh tế tránh bị rơi vào khủng hoảng và suy thoái do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Chính phủ Nigeria đã thực thi nhiều biện pháp quan trọng như: (i) thành lập Ủy bản Ổn định Kinh tế do Phó Tổng tổng Yemi Osinbajo đứng đầu nhằm quản lý và phát triển kinh tế trong và sau đại dịch; (ii) hoãn việc tăng giá điện theo dự kiến từ 01/4/2020; (iii) ban hành gói hỗ trợ trị giá 50 tỷ Naira đối với các hộ kinh doanh và các doanh nghiệp vừa và nhỏ; (iv) các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập sẽ được giảm 80% phí đăng ký sản phẩm tại Cục Quản lý và Kiểm tra Thực phẩm và Dược phẩm Quốc gia (NAFDAC) trong giai đoạn 6 tháng từ ngày 16/5/2020 và (v) thực hiện việc cắt giảm chi tiêu ngân sách chính phủ liên bang. Đáng lưu ý, ngày 28/4/2020, IMF đã đồng ý cấp khoản vay trị giá 3,4 tỷ USD cho Nigeria nhằm hỗ trợ nền kinh tế nước này vượt qua khó khăn trong giai đoạn đại dịch đang bùng phát mạnh mẽ.

     

Trước tình hình dịch bệnh tại Nigeria vẫn còn diễn biến phức tạp và hệ thống y tế yếu, dự báo nền kinh tế nước này chưa thể mở cửa hoàn toàn trở lại, cho tới đầu Qúy IV/2020. Các chính sách kinh tế thời hậu Covid-19 sẽ tập trung tăng cường khai thác dầu khí; phát triển sản xuất công nghiệp; tăng thu hút đầu tư cho nông nghiệp nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước.

     

Về chính sách, Ngày 20/03/2020, Ngân hàng trung ương Nigeria đã thực hiện phá giá 15% đồng nội tệ (Naira) so với đồng đô la Mỹ (USD). Tỷ giá từ 306 NGN/USD, lên 360 NGN/USD. Động thái này nhằm khuyến khích hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy sản xuất nội địa, nhưng ảnh hưởng tiêu cực cho các doanh nghiệp nhập khẩu của Nigeria, khi phải mua đồng USD ở mức giá cao hơn, để thanh toán các hợp đồng nhập khẩu. Ngày 30/04/2020, Chính phủ nước này thực hiện việc miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (VAT), đối với các mặt hàng y tế thiết yếu phục vụ chống Covid-19 trong giai đoạn 6 tháng, băt đầu từ ngày 01/05/2020.

 

Về ngoại thương, theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia Nigeria, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Nigeria trong 3 tháng đầu năm 2020 ước đạt 27,13 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó xuất khẩu đạt 13,34 tỷ USD, giảm (-) 10% và nhập khẩu đạt 13,79 tỷ USD, tăng gần 14%. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Nigeria gồm dầu thô đạt 9,62 tỷ USD (chiếm 72,12% tổng kim ngạch xuất khẩu); sản phẩm công nghiệp đạt 1,45 tỷ USD (chiếm 10,89%); sản phẩm nông nghiệp đạt 412,89 triệu USD (chiếm 3,09%). Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Nigeria là sản phẩm công nghiệp đạt 8,69 tỷ USD (chiếm 63% tổng kim ngạch nhập khẩu); các sản phẩm dầu khác đạt 2,96 tỷ USD (chiếm 23%); nguyên liệu thô đạt 1 tỷ USD (chiếm 7,28%) và hàng hóa nông nghiệp đạt 854,2 tỷ USD (chiếm 6,19%).

 

Các thị trường xuất khẩu chính của Nigeria: Ấn Độ (chiếm 15,61% tổng kim ngạch xuất khẩu); Tây Ban Nha (9,87%); Hà Lan (9,72%); Nam Phi (7,82%) và Cameroon (7,39%). Các thị trường nhập khẩu chính của Nigeria gồm: Trung Quốc (chiếm 26,28% tổng kim ngạch nhập khẩu; Hà Lan (11,14%); Hoa Kỳ (10,45%); Ấn Độ (7,92%) và Bỉ (6,11%).

 

Quan hệ thương mại Việt Nam – Nigeria, 5 tháng đầu năm 2020. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam 5 tháng đầu năm 2020: Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nigeria đạt 50,9 triệu USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2019. Sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu chủ yếu do xuất khẩu một số mặt hàng quan trọng của Việt Nam sang Nigeria đạt mức tăng trưởng cao như Túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù tăng 468,4%, đạt 5,42 triệu USD ; chất dẻo nguyên liệu tăng 117,1%, đạt 1,78 triệu USD ; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 95,6%, đạt 1,43 triệu USD. Dự báo xuất khẩu của Việt Nam sang Nigeira sẽ tiếp tục bị tác động bởi đại dịch Covid-19 và việc Chính phủ Nigeria vẫn đang thực thi các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh như phong tỏa các bang, đóng cửa các sân bay quốc tế và phá giá mạnh đồng nội tệ Naira.

 

Nhập khẩu: trong 5 tháng đầu năm 2020, Việt Nam nhập khẩu từ Nigeria 71,67 triệu USD, giảm (-) 33% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu giảm, nguyên nhân chủ yếu do sự sụt giảm giá trị và sản lượng nhập khẩu hạt điều, mặt hàng thường chiếm trên 60% tổng kim ngạch nhập khẩu của ta từ Nigeria. Nigeria cung cấp 2 mặt hàng hạt điều và gỗ nguyên liệu cho Việt Nam, để sản xuất và tái xuất khẩu dạng thành phẩm.

     

Do đại dịch Covid-19, cùng với việc phá giá đồng tiền nội tệ Naira (NGN) 15% của Chính phủ Nigeria, trong 6 tháng cuối năm 2020, việc xuất khẩu hàng hoá của nước ngoài, trong đó có Việt Nam, vào nước này sẽ khó khăn hơn so cùng kỳ năm 2019.

Thương vụ Việt Nam tại Nigeria

Nội dung liên quan