Theo một báo cáo mới đây về ngành công nghiệp thực phẩm của các nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh – GCC, tăng trưởng tiêu dùng thực phẩm của Ca-ta cao nhất trong số 6 nước thành viên của GCC. Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng thực phẩm của Ca-ta khoảng 5% giai đoạn 2012-2017(trong khi bình quân toàn khu vực là 3,1%). Cụ thể trái cây và các sản phẩm sữa là có tốc độ tăng trưởng cao nhất tương ứng với 6% và 5,5%. Tiếp theo là rau quả 5,3%, thịt 5,2% và sản phẩm ngũ cốc là 4,3%. Theo sau Ca-ta là UAE, O-man, Ả-rập Xê-út và cuối cùng là Cô-oét và Ba-ranh.
Ca-ta là quốc gia giàu có nhất trong các nước thành viên GCC với thu nhập bình quân đầu người năm 2012 là 106.000 USD/ người/năm. Ngoài ra, dân số của Ca-ta tăng trưởng nhanh khoảng 4% (trong khi mức trung bình toàn khu vực là 2,4%) và các hoạt động đô thị hóa đang rất phát triển tại quốc gia này. Kinh tế vĩ mô của Ca-ta tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nỗ lực đầu tư cho World Cup 2022 dẫn tới lực lượng lao động nước ngoài và các hoạt động du lịch tăng cao. Xu thế này tác động lớn đến tốc độ tăng trưởng tiêu thụ thực phẩm tại quốc gia vùng Vịnh này.
Bảng: Tiêu thụ thực phẩm của Ca-ta
Đơn vị tính: ngàn tấn
Thực phẩm |
2011 |
2013 (dự tính) |
2015 (dự tính) |
Tăng trưởng trung bình 2012-17 |
Ngũ cốc |
463 |
515 |
568 |
4,3% |
Sữa và sản phẩm sữa |
460 |
514 |
572 |
5.5% |
Rau các loại |
186 |
214 |
247 |
5,3% |
Trái cây các loại |
161 |
187 |
217 |
6,0% |
Thịt |
120 |
140 |
163 |
5,2% |
Thực phẩm khác |
174 |
201 |
232 |
5,1% |
Tổng cộng |
1.564 |
1.771 |
1.999 |
5% |
Nguồn: GCC Food Industry Report, Alpencapital
Ca-ta chỉ có 1% diện tích đất canh tác và khí hậu không thuận lợi nên quốc gia này chỉ tự chủ được 7,2% nhu cầu tiêu dùng thực phẩm, phần còn lại hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu. Mặt hàng ngũ cốc cùng sữa và các sản phẩm sữa là hai mặt hàng thực phẩm được tiêu thụ nhiều nhất tại quốc gia này. Ngoài ra các mặt hàng thực phẩm khác cũng được tiêu thụ khá tốt tại đây.
Báo cáo cũng cho thấy tiêu thụ thực phẩm trên toàn khu vực GCC tăng trưởng khá trong thời gian tới với mức tăng khoảng 3,1% trong giai đoạn 2012-2017 và đạt 49,1 triệu tấn vào năm 2017. Cụ thể mức tiêu thụ bình quân đầu người năm 2015 đạt 971,2 kg và năm 2017 đạt 981,0 kg. Ngũ cốc được xem là mặt hàng thực phẩm tiêu thụ nhiều nhất tại khu vực GCC. Một số mặt hàng dự kiến tăng trưởng khá trong thời gian tới như thịt, rau quả, các sản phẩm từ sữa, đậu, đường, dầu, cá, trứng và khoai tây.
Những năm gần đây Ca-ta đang nổi lên như một quốc gia năng động với nền kinh tế phát triển trong khu vực GCC. Tốc độ đô thị hóa, lối sống hiện đại cùng sự gia tăng của các đại siêu thị, các cửa hàng giảm giá cùng hệ thống bán lẻ rộng lớn đã góp phần tăng nhu cầu tiêu dùng đối với các mặt hàng thực phẩm đặc biệt là thực phẩm chế biến. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Ca-ta. Việt Nam có lợi thế đối với hàng xuất khẩu là nông sản cùng các sản phẩm thực phẩm chế biến. Hai nước đã có đường bay hàng không nối thủ đô Đô-ha của Ca-ta với Hà Nội và T/P Hồ Chí Minh của Việt Nam. Đây là điều kiện quan trọng để thúc đẩy giao thương giữa hai nước. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần chủ động tìm hiểu thị trường, tích cực tham gia các hội chợ triển lãm, các đoàn xúc tiến thương mại để tìm kiếm cơ hội kinh doanh và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa đặc biệt là mặt hàng thực phẩm sang quốc gia vùng Vịnh này.
Lê Linh
Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á