Sáng ngày 24/11, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi (Bộ Công Thương) tổ chức Tọa đàm “Kết nối thông tin về nhu cầu, thị hiếu và phổ biến quy định thị trường nông sản khu vực Trung Đông – Châu Phi”.
Tại Tọa đàm, đại diện các Thương vụ Việt Nam tại khu vực Trung Đông và Châu Phi đã cung cấp những thông tin về tiềm năng và nhu cầu thị trường, các quy định của thị trường nhập khẩu, các lưu ý trong trao đổi, thanh toán thương mại và các đầu mối kết nối, liên hệ, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, định hướng sản xuất cho các địa phương.
Đến nay, sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam đã có mặt trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 10 tháng đầu năm 2023 đạt 43,08 tỷ USD, trong đó các khu vực tiêu thụ lớn nhất là Châu Á (chiếm thị phần 49,1%), châu Mỹ (thị phần 22,6%), châu Âu (thị phần 10,5%); hai khu vực có thị phần còn tương đối nhỏ là châu Phi (chiếm 2,1%) và châu Đại Dương (chiếm 1,5%). Các mặt hàng duy trì được tốc độ tăng và có giá trị xuất khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022 là rau quả (đạt gần 4,91 tỷ USD, tăng 78,9%), gạo (đạt 3,97 tỷ USD, tăng 17%), hạt điều (2,92 tỷ USD, tăng 14,8%), sản phẩm chăn nuôi (đạt 402 triệu USD, tăng 22%).
Trong những năm gần đây, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Châu Phi, Trung đông có xu hướng gia tăng. Tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản vào hai khu vực này năm 2022 đạt trên 1,6 tỷ USD (tăng 2,6% so với cùng kỳ) và 10 tháng đầu năm 2023 đã đạt gần 1,6 tỷ USD (tăng 11,7%), trong đó xuất khẩu vào khu vực Trung Đông năm 2022 đạt trên 836 triệu USD (tăng 22,3%), 10 tháng năm 2023 đạt gần 700 triệu USD (tăng 2,6%); xuất khẩu vào khu vực châu Phi năm 2022 đạt trên 859 triệu USD (giảm 11,3%) nhưng 10 tháng 2023 đã đạt gần 900 triệu USD (tăng 20,1%).