| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Xuất nhập khẩu hàng hoá Việt Nam tháng 1 năm 2025 đạt 63,15 tỷ USD

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê công bố sáng 6⁄2, xuất nhập khẩu hàng hoá tháng 1⁄2025 đã đạt 63,15 tỷ USD; xuất siêu 3,03 tỷ USD.

Xuất nhập khẩu giảm nhẹ, xuất siêu 3,03 tỷ USD

Theo đó, trong tháng 1, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 63,15 tỷ USD, giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu giảm 4,3%; nhập khẩu giảm 2,6%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 3,03 tỷ USD.

Trong đó, về xuất khẩu hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 01/2025 đạt 33,09 tỷ USD, giảm 6,9% so với tháng trước và giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 29,43 tỷ USD, chiếm 89,0%

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 01/2025 đạt 30,06 tỷ USD, giảm 14,1% so với tháng trước và giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu tháng 01/2025, nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 28,26 tỷ USD, chiếm 94,0%.

Tháng đầu năm, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 9,8 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 11,6 tỷ USD.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 01/2025 xuất siêu 3,03 tỷ USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,4 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,43 tỷ USD.

Sau năm 2024 đạt kỷ lục, hoạt động xuất nhập khẩu có dấu hiệu giảm nhẹ trong tháng đầu năm, có nguyên nhân một phần do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Song hoạt động xuất nhập khẩu đã và đang dần khởi sắc trở lại ngay sau khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ kết thúc. Có thể thấy rõ điều này trong hoạt động sôi động của xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu ngay trong những ngày đầu xuân Ất Tỵ 2025.

Theo đó, sáng 5/2, hoạt động xuất nhập khẩu qua Lối mở cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên, TP Móng Cái chính thức thông quan trở lại sau kỳ nghỉ Tết. Tính đến 9h cùng ngày, Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái đã làm thủ tục xuất khẩu cho 47 tờ khai của doanh nghiệp và cư dân biên giới, với 96 xe hàng, tổng trọng lượng 2.374 tấn, kim ngạch đạt hơn 2,3 triệu USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hoa quả tươi, cá, tôm đông lạnh, tôm hùm sống, ngao sống và tinh bột sắn.

Trước đó, Cửa khẩu cầu Bắc Luân II (TP Móng Cái) đã thực hiện thông quan hẹn trước trở lại từ ngày 31/1-4/2 (mùng 3 – mùng 7 Tết). Từ 5/2, thông quan như ngày thường.

Như vậy, đến sáng 5/2, các hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn TP Móng Cái đã trở lại bình thường.

Trong tháng 1/2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu Móng Cái đạt 234,7 triệu USD, tăng 53% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu đạt 133,18 triệu USD, nhập khẩu đạt 101,56 triệu USD. Số doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu tăng thêm 46 đơn vị, nâng tổng số lên 352 doanh nghiệp.

Tại các cửa khẩu lớn của cả nước như Lào Cai, hoạt động thông quan diễn ra xuyên suốt Tết Nguyên đán. Còn tại Lạng Sơn, từ ngày 5/2 (tức mùng 8 tháng Giêng), toàn bộ các cặp cửa khẩu, đường chuyên dụng vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn sẽ chính thức hoạt động thông quan trở lại sau thời gian tạm dừng do phía Trung Quốc nghỉ Tết.

Về các mặt hàng, xuất khẩu sầu riêng tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu, dù vừa trải qua 1 tháng khó khăn vì quy định mới. Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Vina T&T Group chia sẻ, đều đặn mỗi tháng doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 320 tấn sầu riêng, gần 500 tấn dừa. Ngoài ra, mỗi tuần xuất khẩu khoảng 3-4 container nhãn (khoảng 16 tấn/container), 7-9 container thanh long. Đáng chú ý, các doanh nghiệp Việt đã đón đầu được cơn sốt sầu riêng tại thị trường Trung Quốc nên đơn hàng luôn dồi dào, doanh thu tăng mạnh.

Trước đó, từ ngày 10/1, Trung Quốc áp dụng quy định mới yêu cầu tất cả lô sầu riêng từ Việt Nam và Thái Lan phải có giấy chứng nhận kiểm định chất vàng O - một hợp chất có nguy cơ gây ung thư. Chỉ các phòng xét nghiệm được Trung Quốc phê duyệt mới được phép thực hiện kiểm tra tiêu chí này. Quy định được ban hành sau khi cơ quan chức năng Trung Quốc phát hiện dư lượng chất vàng O trong một lô hàng sầu riêng của Thái Lan cuối năm 2024. Đến cuối tháng, nước này mới phê duyệt danh sách 9 phòng xét nghiệm của Việt Nam. Hiện, Việt Nam đang tích cực đàm phán với Trung Quốc nhằm mở rộng danh sách phòng kiểm nghiệm được công nhận, tạo điều kiện thông quan thuận lợi hơn.

Đối với mặt hàng dệt may, ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 – CTCP cho hay, ngay trong thời điểm Việt Nam nghỉ Tết Nguyên đán, các khách hàng, nhà nhập khẩu, đối tác của May 10 vẫn làm việc bình thường, do vậy trong những ngày đầu xuân 2025, May 10 đã có những tín hiệu vui, đặc biệt là những đơn hàng của quý 2 năm 2025. Các khách hàng đã xác nhận đơn hàng, đảm bảo đủ việc làm cho người lao động đến hết quý 2/2025.

Năm 2025, để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số, May 10 sẽ tiếp tục mở rộng thị trường cả xuất khẩu và nội địa. Bên cạnh các thị trường truyền thống như EU, Mỹ, Nhật Bản thì thị trường châu Á, Hàn Quốc, hay Trung Quốc sẽ là những thị trường được May 10 tiếp tục có chính sách để phát triển.

Nỗ lực ngay từ đầu năm

Năm 2025, mục tiêu của ngành Công Thương là phấn đấu xuất khẩu hàng hoá tăng trưởng 12%, tức giá trị xuất khẩu năm sau “ngắm mốc” 451 tỷ USD. Để đạt được tăng trưởng 2 con số, các ngành hàng xuất khẩu phải tăng tốc ngay từ đầu năm, tận dụng mọi cơ hội thị trường để có đơn hàng, duy trì sản xuất liên tục.

Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung mạnh vào các mục tiêu như tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tham mưu xây dựng các chính sách thuận lợi nhất cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Điều hành nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan. Tăng cường nghiên cứu, có những cảnh báo kịp thời, bám sát tình hình thương mại biên giới. Đặc biệt, tăng cường chống gian lận xuất xứ hàng hóa.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên trong năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá cao hoạt động xuất nhập khẩu thời gian qua. Đồng thời chỉ đạo, năm 2025, tiếp tục thúc đẩy thương mại hài hòa, bền vững với các nước đối tác lớn. Khai thác hiệu quả 17 FTA đã ký kết, các thị trường mới, tiềm năng như Trung Đông, Halal, Mỹ La-tinh, châu Phi; thúc đẩy đàm phán, ký kết các khuôn khổ hợp tác mới để duy trì tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.

Báo Công Thương

Nội dung liên quan