| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Xuất khẩu ngành gỗ của Việt Nam khởi sắc sau thời gian dài ảm đạm

Theo thông cáo báo chí của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam vừa công bố cho hay, sau nhiều năm liên tục tăng trưởng nhanh, trong 5 tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,7 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, từ cuối quý II năm 2023, nhiều đơn hàng tại các thị trường chính đã tăng trở lại, khi người tiêu dùng bắt đầu quay lại nhu cầu mua sắm sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Cụ thể trong 5 tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,7 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022, đặc biệt, sản phẩm gỗ chế biến sâu, thuộc mã HS 94, giảm tới 38%. Hiện nay, chỉ còn một số mặt hàng thuộc nhóm HS 44 còn tăng trưởng dương. So 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm trong 4 tháng đầu năm 2023 sang các thị trường chính đều giảm mạnh: Mỹ đạt 2,02 tỷ USD, giảm 37,9%; Nhật Bản 556,2 triệu USD, giảm 1,5%; Hàn Quốc đạt 273,5 triệu USD, giảm 22,2%; Trung Quốc đạt 481,2 triệu USD, giảm 12,8%; Anh đạt 60,33 triệu USD, giảm 38%; Australia đạt 35,7 triệu USD, giảm 39,7%... Tương tự, đối với thị trường EU cũng đã giảm tới 60%, các đơn hàng mới hiện rất ít.

Tuy nhiên, từ cuối quý II/2023, số lượng đơn hàng xuất khẩu đồ gỗ nội thất của Việt Nam đã tăng hơn. Thị trường chính của Việt Nam là Mỹ bắt đầu nhập số lượng các sản phẩm từ gỗ, thị trường Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ cũng đang phát triển ổn định và có nhu cầu nhập thêm các sản phẩm nội thất. Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam ước đạt 6,42 tỷ USD, giảm gần 29% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, ngành gỗ vẫn lạc quan có thể cán mốc xuất khẩu 14 tỷ USD vào cuối năm khi các doanh nghiệp bắt đầu đón thêm một số đơn hàng mới. Tại thị trường châu Âu cũng đang định hình xu hướng tiêu dùng của ngành gỗ nội thất khi chiếm tới 2/3 thị phần của các mặt hàng cao cấp nhập khẩu từ Việt Nam. Điều này đặt ra nhiều yêu cầu về tiêu dùng bền vững, yêu cầu ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam phải cải tiến và thích ứng với các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường, xã hội và trách nhiệm doanh nghiệp. Với thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Canada và nhiều quốc gia khác đã có sự hồi phục, khi người tiêu dùng bắt đầu quay lại các cửa hàng mua sắm sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là những thị trường này cũng đặt ra những yêu cầu cao về cam kết giảm thiểu carbon Netzero.

Để chinh phục những mục tiêu bền vững và đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường, ngành công nghiệp gỗ Việt Nam cần phải xác định chiến lược mới:

  • Cần nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm để tăng tính cạnh tranh và thu hút sự quan tâm của các thị trường khó tính.
  • Cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đưa ra những sản phẩm có thiết kế sáng tạo và độc đáo, thích ứng với gu thẩm mỹ đa dạng của người tiêu dùng.

Thúc đẩy xuất khẩu gỗ nội thất cũng cần sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các cơ quan chức năng, đảm bảo tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn xuất khẩu của từng thị trường. Nâng cao năng lực quản lý chất lượng và vận hành cũng là một yếu tố quan trọng để duy trì uy tín và đáp ứng yêu cầu chất lượng cao của các thị trường khó tính. Việc đẩy mạnh tiếp thị và quảng bá thương hiệu gỗ nội thất Việt Nam trên thế giới là cần thiết. Sử dụng các kênh truyền thông hiện đại và công nghệ số sẽ giúp tiếp cận đến đông đảo khách hàng tiềm năng và tạo dựng hình ảnh đáng tin cậy, chất lượng cao cho ngành công nghiệp gỗ Việt Nam. Ngoài ra, ngành gỗ Việt Nam cũng cần phải tập trung vào việc sử dụng nguồn nguyên liệu và quá trình sản xuất bền vững, giúp giảm thiểu lượng khí thải carbon ra môi trường.

Bên cạnh đó, các cơ quan đại diện cũng cần tiếp tục nỗ lực hỗ trợ ngành gỗ mở rộng, đa dạng hóa thị trường, nhất là các thị trường tiềm năng và còn dư địa như: Ấn Độ, Đông Âu, Trung Đông; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả phòng ngừa, giải quyết thỏa đáng các tranh chấp và phòng vệ thương mại, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam.

Vietnamexport (tổng hợp)

Nội dung liên quan