Xuất khẩu của Malaysia trong năm 2022 tăng trưởng mạnh mẽ do được hưởng lợi từ giá hàng hóa tăng cao, tuy nhiên xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này cũng gia tăng mạnh góp phần làm giảm thâm hụt cán cân thương mại
Xuất nhập khẩu hàng hóa của Malaysia
Theo số liệu chính thức của Bộ Thương mại Quốc tế và Công nghiệp (MITI) công bố, năm 2022, thương mại của Malaysia tiếp tục tăng so với năm trước, trong đó cả xuất khẩu, nhập khẩu và thặng dư thương mại tăng lên mức cao mới do nhu cầu bên ngoài cao hơn và giá cả hàng hóa tăng mạnh.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 2 nghìn tỷ ringgit (RM), tương đương với 445 tỷ đôla Mỹ trong năm thứ hai liên tiếp và ghi nhận mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 1994. Xuất khẩu đạt 1,5 nghìn tỷ RM, tương đương 345 tỷ đôla Mỹ vượt 24% so với dự báo Kế hoạch lần thứ 12 của Malaysia cho năm 2025, vượt trước ba năm so với mục tiêu. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu lần đầu tiên vượt mốc 1 nghìn tỷ RM, tương đương với 225 tỷ đôla Mỹ. Thặng dư thương mại năm thứ 25 liên tiếp kể từ năm 1998.
Về thị trường, xuất khẩu sang các đối tác thương mại lớn nhất là ASEAN, Trung Quốc, Hoa Kỳ (US), Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục mới. Xuất khẩu sang các đối tác Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đạt giá trị cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, xuất khẩu sang các thị trường thuộc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), có hiệu lực từ năm ngoái, đã tăng trưởng ở mức hai con số.
Xuất khẩu của các ngành sản xuất, nông nghiệp và khai khoáng đạt mức cao nhất mọi thời đại với mức tăng trưởng hai con số. Sự tăng trưởng bền vững này được thúc đẩy nhờ xuất khẩu mạnh mẽ các sản phẩm điện và điện tử (E&E), các sản phẩm dầu mỏ, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), dầu cọ và các sản phẩm nông nghiệp từ dầu cọ, dầu thô cũng như máy móc, thiết bị và phụ tùng với mỗi sản phẩm ghi nhận mức tăng hơn 10 tỷ RM (trên 2 tỷ USD) với mức tăng trưởng hai con số. Các mặt hàng này cũng đạt giá trị xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay, trừ xăng dầu thô.
Xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Malaysia
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, cả năm 2022 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Malaysia đạt 5,57 tỷ USD tăng tới 26,1 % trong khi kim ngạch nhập khẩu là 9,12 tỷ USD, tăng tới 11,7% so với cùng giai đoạn năm 2021. Nhập siêu từ Malaysia trong 11 tháng đầu năm 2022 chỉ dừng ở 3,55 tỷ USD, giảm nhẹ về giá trị kim nghạch thâm hụt so với năm trước nhưng giảm nhiều về tỷ trọng từ 85% xuống chỉ còn chiếm 63,9% so với kim ngạch xuất khẩu. Nguyên chính là do các sản phẩm xuất khẩu của Malaysia được hưởng lợi từ giá cả của nhiều hàng hóa cơ bản trên thị trường thế giới tăng mạnh, nhất là các mặt hàng liên quan đến dầu thô và dầu cọ nên kim ngạch vẫn tiếp tục tình trạng thặng dư nghiêng về phía bạn, nhưng xuất khẩu của Việt Nam gia tăng nhanh trong năm đã góp phần thu hẹp thâm hụt về tỷ trọng.
Trong các sản phẩm xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn và đạt kim ngạch trên 100 triệu USD, nhóm mặt hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện và máy móc thiết bị, sản phẩm hóa chất, phương tiện vận tải và gạo tăng trưởng rất mạnh (tương ứng 53,7%, 60,8%, 100,6%, 32,8% và 40,3%), các mặt hàng tăng nhẹ là gỗ và sản phẩm gỗ (15,2%) và hàng thủy sản (17,3%). Các mặt hàng sắt thép các loại và thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tính (chủ yếu là kính xây dựng) giảm tương ứng 7,1% và 44,8% do Malaysia chưa hoàn toàn mở cửa cho các lao động nhập cư tiếp tục triển khai các công trình xây dựng. Mặt hàng điện thoại và linh kiện cũng giảm nhẹ (11,9%) do vấn đề thiếu chip điện tử. Ngoài ra, các sản phẩm có kim ngạch tăng trưởng mạnh bao gồm, hàng dệt may (tăng tới 65,4%), dầu thô (171,3%), giầy dép các loại (77,3%), phân bón các loại (80,6%), hóa chất (110,8%).
Tuy nhập siêu lớn từ Malaysia lớn nhưng tốc độ tăng không cao và các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn là nguyên liệu và đầu vào cho các ngành sản xuất của Việt Nam, như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (kim ngạch 1,9 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ và chiếm tới gần 20% vể tỷ trọng trong nhập khẩu), xăng dầu các loại (1,2 tỷ USD và chỉ tăng 1,6%). Các mặt hàng có kim ngạch tăng mạnh (trên 50% so với cùng kỳ) gồm có: thức ăn gia súc và nguyên liệu, thủy tinh, sản phẩm từ dầu mỏ, giấy các loại, sắt thép, xơ sợi dệt, dược phẩm, than các loại.