Ngày 24/1/2022, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và các nền kinh tế lớn.
Trong bối cảnh biến thể COVID-19-Omicron mới đang lan truyền nhanh chóng, cũng như nhiều tổ chức kinh tế thế giới khác, IMF đã sửa đổi dự đoán tăng trưởng của các quốc gia trên thế giới. Biến thể mới đã ảnh hưởng mạnh đến hoạt động kinh doanh trong một số lĩnh vực sau khi các quốc gia buộc phải áp dụng các quy định nghiêm ngặt để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh. Hoạt động du lịch, đi lại giữa các quốc gia cũng đang dần được cải thiện sau khi áp dụng các tiêu chuẩn du lịch quốc tế nghiêm ngặt.
IMF dự đoán rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ở mức 4,4% vào năm 2022 và giảm xuống 3,8% vào năm 2023. IMF điều chỉnh dự đoán tăng trưởng của Ấn Độ cho năm tài chính hiện tại kết thúc vào ngày 31/3/2022 ở mức 9% (giảm tăng 0,5%) so với dự đoán tháng 10/2021, nhưng tiếp tục giữ vị trí là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Đồng thời, IMF cũng đã dự đoán rằng tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ sẽ duy trì ổn định ở mức 9% trong năm 2022-2023 (tăng 0,5% so với báo cáo trước đó), nhấn mạnh sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch của nền kinh tế Ấn Độ.
IMF dự đoán rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng ở mức 4% trong khi Trung Quốc sẽ tăng trưởng ở mức 4,8%. Các số liệu thống kê cập nhật cho thấy Mỹ đang thu hẹp khoảng cách tăng trưởng với Trung Quốc, với mức chênh lệch nhỏ là 0,8%. Trong khi đó, mức tăng kinh tế của Khu vực châu Âu được dự đoán sẽ giảm từ 5,2% trong năm tài khóa này xuống 3,9% trong năm 2022-23.
Ngày 21/1/2022, Giám đốc điều hành IMF, Kristalina Georgieva trong một phát biểu đã tuyên bố rằng: "Nền kinh tế thế giới từ nay đến 2024 đang mất 12,5 nghìn tỷ USD sản lượng bởi COVID -19. Và con số này cần phải cập nhật do ảnh hưởng mới từ biến chủng Omicron”.
Những nhận xét này của Giám đốc IMF được đưa ra sau khi báo cáo Triển vọng và Tình hình Kinh tế Thế giới (WESP) 2022 của Liên hợp quốc được công bố vào tuần trước cho thấy sau khi phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021, nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng 4% vào năm 2022, và tăng 3,5% năm 2023. Báo cáo cũng chỉ ra rằng những trở ngại đối với nền kinh tế thế giới do làn sóng nhiễm COVID-19 mới gây ra, bao gồm các vấn đề thị trường lao động, những thách thức kéo dài trong chuỗi cung ứng cũng như áp lực lạm phát ngày càng tăng.