(21/05/2012)
Việc thực hiện đồng nhất về cấu trúc thuế giữa Ấn Độ và Pakistan theo quy chế tối huệ quốc (MFN) đang là một vấn đề cấp thiết được đặt ra đối với Chính phủ Pakistan nhằm xóa bỏ rào cản thương mại và đạt được lợi ích thực tế trong thương mại tự do với Ấn Độ. Phát biểu trong cuộc họp báo tại trụ sở Hiệp hội Dệt may Pakistan (APTMA), Chủ tịch Hiệp hội, ông Mohsin Aziz cho biết, ông đánh giá cao việc hai nước dành cho nhau quy chế MFN với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, giải quyết nạn mù chữ, cải thiện đời sống người dân,... thông qua thúc đẩy các hoạt động thương mại lành mạnh giữa giữa hai bên. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên cần phải giải quyết sự bất tương xứng về cơ cấu thuế giữa hai nước, được minh chứng cụ thể qua mức thuế nhập khẩu sợi từ Pakistan sang Ấn Độ là 10%, cộng với 11% thuế nội địa khác, trong khi đó Pakistan không áp thuế nhập khẩu sợi từ Ấn Độ. Sự chênh lệch về mức thuế khác nhau tại mỗi nước làm mất cân bằng trong cạnh tranh thương mại và khiến Pakistan khó có thể cạnh tranh được với Ấn Độ. Chủ tịch của APTMA đã đề nghị Chính phủ Pakistan cần xem xét lại các vấn đề liên quan đến thuế đối với sản phẩm dệt may cũng như đưa ra các phương thức nhằm đẩy mạnh hàng xuất khẩu dệt may từ Pakistan sang Ấn Độ và các nước khác. Ngành dệt may của Pakistan là ngành mang lại nguồn thu ngoại tệ chính, tạo công ăn việc làm chủ yếu và được miễn thuế nhập khẩu và thuế doanh thu tại Pakistan. Do đó, Chính phủ cần hỗ trợ cấp nguồn tài chính ưu đãi ở mức lãi suất 6%/năm nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững cho ngành kinh tế mũi nhọn này. Hiện tại, ngành dệt may của Pakistan vẫn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do tình trạng thiếu điện và cung cấp điện không theo kế hoạch đã làm giảm sản lượng của ngành này xuống còn 50% so với mức sản lượng tiềm năng. Chính phu cần đưa ra các chiến lược ngắn hạn để khắc phục hiện tượng trên. Cho đến này, sau các nỗ lực của APTMA, Chính phủ Pakistan đã bắt đầu cung cấp điện 5 ngày/tuần cho sản xuất dệt may và các ngành công nghiệp liên quan khác. Pakistan hiện đã tìm kiếm được nhiều thị trường nhập khẩu dệt may mới. Do đó, các biện pháp hỗ trợ sản xuất trong ngành dệt may đang là việc làm cấp bách nhằm giúp ngành này có thể sản xuất hàng hóa 24/24 và tận dụng được tối đa công suất nhằm tăng cường xuất khẩu. Nguyễn Minh Phương