| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Tình hình thị trường Tunisia năm 2021

Kinh tế Algeria vẫn tiếp tục đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị. Đại dịch Covid-19 đã làm cho lĩnh vực du lịch, ngành mang lại ngoại tệ chính của quốc gia Bắc Phi này bị đình trệ. Năm 2020, tăng trưởng kinh tế của Tunisia đã giảm 8,8% và thâm hụt ngân sách lên mức kỷ lục 11,4%. Năm nay, dự báo thâm hụt ngân sách đạt 8,3%, lạm phát là 6,4%.

a)  Tình hình chính trị-xã hội
Kể từ tháng 1, Tunisia đã rơi vào bế tắc chính trị trong bối cảnh bất đồng giữa Tổng thống Saied và Thủ tướng Hisham al-Mashishi về một cuộc cải tổ chính phủ. Đất nước này cũng phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế, trong khi số ca mắc COVID-19 tăng nhanh giữa lúc có cảnh báo về khả năng sụp đổ của hệ thống chăm sóc y tế.
Ngày 25/7, Tổng thống Saied đã giải tán chính phủ của Thủ tướng Mechichi và đình chỉ hoạt động của quốc hội. Ngày 29/9, Tổng thống Kais Saied đã bổ nhiệm bà Najla Boudin Ramdan làm Thủ tướng nước này. Ngày 11/10, Tổng thống đã công bố chính phủ mới,
Về dịch bệnh Covid-19, cho đến nay Tunisia đã ghi nhận tổng cộng hơn 718.000 ca mắc COVID-19, trong đó hơn 25.000 người tử vong. Sau khi phát hiện một trường hợp nhập cảnh nhiễm biến thể Omicron ngày 3/12/2021, Tunisia đã hạn chế nhập cảnh vào nước này.
        
b)  Tình hình kinh tế   
Kinh tế Algeria vẫn tiếp tục đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị. Đại dịch Covid-19 đã làm cho lĩnh vực du lịch, ngành mang lại ngoại tệ chính của quốc gia Bắc Phi này bị đình trệ. Năm 2020, tăng trưởng kinh tế của Tunisia đã giảm 8,8% và thâm hụt ngân sách lên mức kỷ lục 11,4%. Năm nay, dự báo thâm hụt ngân sách đạt 8,3%, lạm phát là 6,4%.
GDP thực tế của Tunisia trong quý 3/2021 chỉ tăng 0,3%. So với quý 2/2021, kinh tế nước này đã tăng 0,7%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn tăng trưởng của quý 1/2020, thời điểm bắt đầu đại dịch Covid-19.
Ngày 9/12/2021, nhân chuyến thăm Tunisia của Tổng thống Algeria, hai nước đã ký thỏa thuận theo đó Algeria cho vay 300 triệu USD chủ yếu để Tunisia trả nợ.
Hiện Tunisia nợ đến 41 tỷ USD (102% GDP) và đang thương lượng với Quỹ tiền tệ quốc tế về chương trình cứu trợ nhằm vay thêm 4 tỷ USD. Ngoài ra, nước này còn đề nghị vay tiền của UAE, Ả rập Xê út, Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Phi, vv.
Cuộc khủng hoảng kinh tế của Tunisia kéo dài từ 10 năm nay với mức tăng trưởng thấp (trung bình 0,6%) và lạm phát cao (6%) lại càng trầm trọng thêm những năm gần đây do đại dịch Covid-19, làm nước này mất đi phần lớn doanh thu du lịch. Ngành du lịch đóng góp tới 14% GDP vào năm 2019.
c)  Ngoại thương Tunisia
Tunisia phải nhập nhiều mặt hàng thực phẩm, trang thiết bị công nghệ cao như điện thoại thông minh, máy vi tính và một phần năng lượng. Ngược lại, nước này xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp như dầu ô liu, dệt may hay phốt phát. Điều này tạo ra sự mất cân đối về cơ cấu trong cán cân thương mại và làm giảm giá trị đồng nội tệ. Cuối cùng, việc tăng giá hàng nhập khẩu cũng đè nặng lên sức mua của người dân.
Theo Viện thống kê quốc gia Tunisia, trong 11 tháng 2021, thâm hụt thương mại của nước này lên tới 5 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu đạt 14,57 tỷ USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu đạt 19,61 tỷ USD, tăng 21,7%. Toàn bộ các lĩnh vực đều ghi nhận mức nhập khẩu tăng, đặc biệt là mỏ, phốt phát và sản phẩm phái sinh (+112,4%). Về xuất khẩu, trừ nông nghiệp có kim ngạch giảm (-9,3%) còn các lĩnh vực khác đều tăng, đặc biệt là mỏ, phốt phát và sản phẩm phái sinh (+83,7%), năng lượng (+34,4%) và các ngành công nghiệp chế biến (+29%). Tỷ lệ bù đắp xuất nhập khẩu là 74% trong 11 tháng 2021 trong khi cùng kỳ năm trước là 75%.
d)  Trao đổi thương mại Việt Nam- Tunisia
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại giữa hai nước trong năm 2020 đạt 36,38 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất sang Tunisia số hàng hóa trị giá 25,72 triệu USD, chủ yếu là cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, dao cạo râu, vải sợi... Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Tunisia đạt 10,66 triệu USD gồm hải sản, hóa chất, máy móc thiết bị, chất dẻo, hàng dệt may, thức ăn gia súc và nguyên liệu... Trong 11 tháng 2021, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Tunisia đạt 10,15 triệu USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.

Hoàng Đức Nhuận
                                                                        

Thương Vụ Việt Nam tại Algeria

Nội dung liên quan