| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Tây Ban Nha tổ chức Hội thảo về Hiệp định TPP

Ngày 1/12/2015, tại Madrid, Liên đoàn các Tổ chức doanh nghiệp Tây Ban Nha CEOE, phối hợp với Bộ Kinh tế Cạnh tranh và Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha, đã tổ chức Hội thảo giới thiệu về Hiệp định TPP cho các doanh nghiệp Tây Ban Nha. Hội thảo có sự tham dự của đại diện Đại sứ quán một số nước thành viên TPP như Canada, Malayxia, New Zealand, Việt Nam… Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha đã tham dự Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Jose Vicente Gonzalez, Phó Tổng Giám đốc CEOE đánh giá TPP là một Hiệp định quan trọng, kết nối một vùng kinh tế rộng lớn và năng động nhất trên thế giới hiện nay. Hiệp định liên quan đến nhiều nội dung, phạm vi áp dụng đa dạng, có tác động sâu rộng đến phát triển kinh tế của các nước thành viên cũng như trên quy mô toàn thế giới.

Đối với doanh nghiệp Tây Ban Nha, ông Gonzalez đánh giá TPP mở ra những triển vọng thúc đẩy quan hệ với khu vực này, do sự hiện diện mạnh mẽ của các doanh nghiệp Tây Ban Nha tại các nước thành viên TPP ở khu vực châu Mỹ (như Hoa Kỳ, Mehico, Chile, Peru…), cũng như xu hướng hiện nay của các doanh ghiệp Tây Ban Nha hướng mạnh về khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tiếp đó, ông Fidel Sendagorta, Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha đã có bài trình bày đánh giá tác động của TPP dưới góc độ chính trị, ngoại giao.

Ông Fidel cho rằng việc TPP ra đời tiếp tục thể hiện vai trò đi đầu của Mỹ trong truyền thống sáng lập và hình thành các định chế mang tính khu vực và toàn cầu. Đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy như một siêu cường mới hiện nay, TPP được cho là một tập hợp lực lượng để đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc. TPP cũng là một bước đi quan trọng của Mỹ trong chiến lược xoay trục về khu vực châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Obama.

TPP cũng đặt ra thách thức cạnh tranh không nhỏ cho các nước châu Á khác chưa tham gia Hiệp định này như Hàn Quốc hay các nước ASEAN như Indonesia, Philippines, Thái Lan... Rất có khả năng là các nước này cũng sẽ xem xét gia nhập TPP trong tương lai.

Đối với châu Âu, TPP sẽ là một liều thuốc kích thích tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Liên minh châu Âu với Hoa Kỳ. Cho đến nay, xét trên nhiều khía cạnh, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu vẫn là những đối tác quan trọng nhất của nhau. Đây cũng là hai khu vực kinh tế lớn nhất thế giới, cùng nhau chiếm đến 60% GDP toàn cầu, 33% thương mại hàng hóa và 42% thương mại dịch vụ. Châu Âu không muốn chứng kiến với sự chậm trễ của TTIP và sự ra đời của TPP, quan hệ của Hoa Kỳ sẽ hướng mạnh về khu vực châu Á-Thái Bình Dương và châu Âu sẽ giảm mất tầm ảnh hưởng.

Trong bài trình bày của mình, ông Antonio Fernadez, Vụ trưởng Vụ Thương mại quốc tế và Cạnh tranh, Bộ Kinh tế Cạnh tranh Tây Ban Nha đã đánh giá tác động của TPP dưới góc độ kinh tế, thương mại.

(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ)

Ông Antonio cho biết khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như châu Mỹ vốn đã có nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và khu vực. Toàn bộ 12 nước thành viên TPP đều đã tham gia vào các FTA khác nhau. Riêng Chile thì đã có FTA với hầu hết các nước thành viên TPP khác. Vì vậy TPP có thể được xem như một quá trình phát triển mở rộng của các FTA sẵn có. TPP cũng nằm trong xu hướng hiện nay là hình thành các FTA mang tính đại khu vực (mega-regional).

Các nước thành viên TPP chiếm đến 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, vì vậy tác động của TPP lên phát triển kinh tế, thương mại thế giới là rất đáng kể. Tuy nhiên có một thực tế là các thành viên TPP có nhiều khác biệt về chính trị, xã hội, trình độ phát triển cũng như quy mô của nền kinh tế. Chỉ riêng nền kinh tế Hoa Kỳ đã lớn hơn phần còn lại của TPP. Vì vậy phải có thời gian mới đánh giá được tác động cụ thể của Hiệp định này lên các nước thành viên.

Ông cũng nhất trí ý kiến cho rằng TPP ra đời thể hiện vai trò đi đầu của Mỹ trong việc hình thành một tập hợp kinh tế rộng lớn đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tiếp đó, ông đã trình bày sơ bộ các nội dung của TPP với 30 chương liên quan đến nhiều lính vực, từ thương mại hàng hóa đến đầu tư, dịch vụ, rào cản kỹ thuật đối với thương mại, mua sắm công, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường… Ngoài ra còn có thỏa thuận song phương giữa từng thành viên TPP liên quan đến những lĩnh vực đặc thù.

Ông Antonio cũng cho biết TPP dự kiến được ký vào đầu năm 2016, nhưng việc phê chuẩn TPP có thể sẽ mất thời gian, do trong nội bộ từng quốc gia thành viên cũng còn nhiều ý kiến không tán thành Hiệp định, đặc biệt là tại Hoa Kỳ. Thúc đẩy phê chuẩn TPP sẽ là một công việc ưu tiên của Chính quyền Tổng thống Obama trong năm 2016, trước khi nhiệm kỳ của Tổng thống Obama kết thúc.

Đối với châu Âu, ông Antonio cho rằng hiện nay EU có mối quan hệ kinh tế thương mại sâu rộng với các nước thành viên TPP. Bản thân EU cũng đã ký hoặc đang đàm phán các FTA với nhiều nước thành viên TPP. Vì vậy TPP sẽ là chất xúc tác đẩy nhanh quá trình đàm phán, ký kết FTA giữa EU với các nước khu vực này, đặc biệt là vai trò quan trọng của TTIP.

Ông Antonio cho rằng TPP ra đời sẽ hối thúc châu Âu phải đẩy nhanh đàm phán TTIP và khả năng tốt nhất là kết thúc đàm phán trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama. Do tầm quan trọng hàng đầu của mối quan hệ EU-Hoa Kỳ, các cam kết trong TTIP thậm chí sẽ ở mức độ sâu rộng hơn, mang tính tự do hóa hơn so với TPP.

Về tình hình các doanh nghiệp Tây Ban Nha trước tác động của TPP, ông Antonio cho rằng quan hệ thương mại và đặc biệt là đầu tư của các doanh nghiệp nước này chủ yếu vẫn tập trung ở các nước thành viên TPP khu vực châu Mỹ. Tuy nhiên các doanh nghiệp Tây Ban Nha có thể tận dụng TPP để từ khu vực châu Mỹ mở rộng quan hệ sang các nước thành viên khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chưa kể một số thành viên TPP trong khu vực này vốn cũng là đối tác quan trọng của Tây Ban Nha như Nhật Bản, Australia… Vì vậy TPP có thể là cơ hội dịch chuyển luồng đầu tư và thương mại của các doanh nghiệp Tây Ban Nha sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khu vực kinh tế năng động nhất thế giới hiện nay.

(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ)

Kết thúc Hội thảo, ông Antonio Fernadez trả lời một số câu hỏi của doanh nghiệp Tây Ban Nha liên quan đến TTP, TTIP  và FTA giữa EU với một số nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Canada… Ông cho biết những Hiệp định này đều đang được EU thúc đẩy đàm phán. Ông cho biết trong tương lai, EU thậm chí cũng sẽ xem xét đàm phán FTA với Trung Quốc. Đối với ASEAN, mặc dù EU đã kết thúc đàm phán hoặc đang đàm phán FTA với nhiều quốc gia thành viên ASEAN như Singapore, Việt Nam, Malaixia, Thái Lan… nhưng mục tiêu của EU vẫn là hướng tới ký kết một FTA chung với cả khối ASEAN và sẽ nối lại đàm phán khi điều kiện cho phép.

Thương vụ đánh giá Hội thảo về TPP lần này cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của Tây Ban Nha trong việc thúc đẩy quan hệ với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đối với Việt Nam, Tây Ban Nha hiện là đối tác thương mại lớn sáu trong số các nước châu Âu với kim ngạch buôn bán hai chiều đạt gần 3 tỷ USD năm 2014. Tuy nhiên đầu tư của Tây Ban Nha vẫn còn rất yếu. Với 45 dự án có tổng vốn đăng ký 36,4 triệu USD, Tây Ban Nha hiện chỉ đứng thứ 59 trong trong 105 nước và vùng lãnh thổ đang đầu tư vào Việt Nam, đứng sau nhiều nước châu Âu khác.

Các Hiệp định quan trọng mà Việt Nam tham gia như FTA Việt Nam-EU, TPP… chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các doanh nghiệp Tây Ban Nha hiện diện mạnh mẽ hơn nữa tại Việt Nam trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Đặc biệt Việt Nam cần tận dụng xu thế dịch chuyển luồng đầu tư của các doanh nghiệp Tây Ban Nha từ khu vực truyền thống là Bắc Mỹ và Mỹ La tinh sang châu Á-Thái Bình Dương, cũng như dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các nước thành viên TPP để tận dụng lợi thế từ Hiệp định này. Để giúp doanh nghiệp Tây Ban Nha cụ thể hóa xu thế đó, việc tuyên truyền, phổ biến FTA Việt Nam-EU, TPP… cho cộng đồng doanh nghiệp Tây Ban Nha cần tiếp tục được triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới.

Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha

Nội dung liên quan