| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Bờ biển Ngà - Đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại Châu Phi

Cộng hòa Bờ biển Ngà (Côte d’Ivoire) nằm ở khu vực Tây Phi, có diện tích hơn 300.000 km2, dân số khoảng 24 triệu người, giàu tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là kim cương, măng-gan và sắt.

Bờ biển Ngà - Đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại Châu Phi

(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Quốc gia này là một trong những nền kinh tế hàng đầu khu vực Tây Phi với GDP năm 2016 khoảng 34,6 tỷ USD, xuất khẩu đạt 11,7 tỷ USD và nhập khẩu 8,9 tỷ USD. Nền công nghiệp Bờ biển Ngà cũng khá phát triển, gồm các ngành sản xuất hàng tiêu dùng, dệt may, da giày, hoá chất, khai khoáng, sản phẩm gỗ, sửa chữa và đóng tàu. Hiện nay, Bờ biển Ngà là nhà sản xuất và xuất khẩu ca cao lớn nhất trên thế giới.

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Bờ biển Ngà liên tục có bước tăng trưởng mạnh trong những năm qua. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trao đổi thương mại song phương giữa hai nước trong năm 2017 đã đạt mức kỷ lục trên 1 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 126 triệu USD, tăng 4% và nhập khẩu đạt 892 triệu USD, tăng 27% so với năm 2016. Hiện nay, Bờ biển Ngà đã vượt qua Nam Phi và trở thành đối tác thương mại số 1 của Việt Nam tại khu vực châu Phi.

Về cơ cấu mặt hàng, Việt Nam xuất khẩu sang Bờ biển Ngà các sản phẩm như như gạo, dệt may, chất dẻo nguyên liệu, sắt thép... Bờ biển Ngà là nước cung cấp các nguyên liệu đầu vào quan trọng cho Việt Nam, chủ yếu là hạt điều thô (chiếm tới 95% tổng giá trị nhập khẩu) và bông các loại.

Đối với mặt hàng gạo, Bờ biển Ngà là một trong những nước tiêu thụ gạo lớn trên thế giới. Theo số liệu thống kê của Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), nhu cầu về gạo đã tăng gấp 1,5 lần từ 900 nghìn tấn năm 2006 lên tới 1,5 triệu tấn năm 2015. Hàng năm, Bờ biển Ngà phải nhập khẩu một lượng gạo tương đương với 70% nhu cầu, chủ yếu từ Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam và Pa-ki-xtan. Từ nhiều năm nay, gạo luôn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Bờ biển Ngà, chiếm đến 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của ta sang thị trường này với mức kim ngạch đạt 102,5 triệu USD năm 2017 (sản lượng 17.710 tấn). Trong thời gian tới, gạo vẫn tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chính của ta sang Bờ biển Ngà do sản xuất trong nước còn kém phát triển và chưa đáp ứng đủ như cầu của người dân.

Đối với sản phẩm dệt may, Bờ biển Ngà nhập khẩu khoảng 400 triệu USD hàng dệt may mỗi năm từ các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, thị trường này chưa đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm. Những năm gần đây, kim ngạch mặt hàng này vẫn đứng ở vị trí thứ hai trong số các mặt hàng xuất khẩu chính sang Bờ biển Ngà.

Đối với sản phẩm sắt thép, Bờ biển Ngà nhập khẩu trung bình mỗi năm khoảng 125 triệu USD sản phẩm sắt, thép và gang. Trong thời gian tới, nhằm triển khai chính sách xây dựng và phát triển đất nước, hướng đến nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, nhu cầu nhập khẩu nhóm sản phẩm này của Bờ biển Ngà dự báo sẽ tăng cao.

Các mặt hàng xuất khẩu khác: Một số mặt hàng tuy mới xuất hiện và giá trị nhỏ nhưng lại có kim ngạch xuất khẩu tăng liên tục như hải sản, bánh kẹo, hạt tiêu, máy móc thiết bị phụ tùng…

Về mặt hàng điều, tính đến thời điểm hiện tại, Bờ biển Ngà là nước cung cấp điều thô lớn nhất cho Việt Nam, với mức sản lượng xuất khẩu đạt 8.331 tấn, tương đương 849,5 triệu USD. Trong năm 2018, nhu cầu nhập khẩu điều thô của Việt Nam từ Bờ biển Ngà dự kiến vẫn tiếp tục tăng.

BBN-tro-thanh-doi-tac-thuong-mai-hang-dau-cua-VN-tai-CP---Final-V2GlT.docx

Vụ Thị trường Châu Á, Châu Phi

Nội dung liên quan