| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Thị trường hạt điều Canada – đánh giá tiềm năng

Thị trường Canada nhập khoảng 400 triệu USD/năm các sản phẩm hạt đã chế biến. Mức tăng trưởng của thị trường hạt chế biến giai đoạn 2018-2021 là 16%, trong khi của Việt Nam là 51%, thể hiện hiệu ứng tích cực của CPTPP, giúp Việt Nam có thêm các đơn hàng (từ 19 triệu lên 29 triệu USD).

Thị trường hạt điều của Canada – đặc điểm và quy mô

Canada có nhu cầu tiêu thụ các loại hạt đã chế biến tăng nhanh qua các năm do nhu cầu ăn sạch, ăn các nguồn đạm thực vật để bảo vệ sức khoẻ. Các loại hạt thường được biết đến là nguồn chất xơ lớn, nguồn đạm dễ tiêu và nguồn chất béo tốt cho tim mạch, nhiều khoáng chất và vitamin. Theo đánh giá của Statista Market Forecast hàng năm, Canada tiêu thụ gần 1,8 tỷ USD giá trị các loại hạt, có nghĩa là mỗi người dân tiêu thụ trung bình gần 50 USD/năm tương đương khoảng 4kg/năm. Thị trường này dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khoảng 5,4%/năm từ nay đến năm 2027 (Theo dự báo của Marketresearch). Ngoài lợi ích về sức khoẻ, các loại hạt còn thuận tiện, dễ mang và an toàn (nhiều loại hạt organic). Hiện nay, người Canada ưa chuộng chủ yếu là các loạt hạt như: hạt điều Brazil, hạt điều, hạt óc chó, hạt hồ đào, hạt óc chó, hạt hạnh nhân, hạt mắc ca, hạt lạc, hạt óc chó, hạt phỉ và gần đây là các loại hạt bí, hạt dưa, hạt hướng dương.

Thị trường Canada nhập khoảng 400 triệu USD/năm các sản phẩm hạt đã chế biến. Mức tăng trưởng của thị trường hạt chế biến giai đoạn 2018-2021 là 16%, trong khi của Việt Nam là 51%, thể hiện hiệu ứng tích cực của CPTPP, giúp Việt Nam có thêm các đơn hàng (từ 19 triệu lên 29 triệu USD). Trong nhóm mã HS 200819, Việt Nam chủ yếu xuất hạt điều rang muối vào Canada và chiếm 5,5% thị phần hạt chế biến ở thị trường, đứng thứ hai sau Hoa Kỳ. Hoa Kỳ chiếm thị phần chủ yếu tới 80% thị trường. Đứng thứ ba và thứ tư về thị phần HS 200819 là Thái Lan và Li băng, với thị phần lần lượt là 5 và 4%. Các nước khác như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Srilanka, Ấn Độ, Indonesia, Philippines nằm trong top 10 nhà xuất khẩu hạt chế biến vào Canada nhưng có thị phần không đáng kể.

Theo số liệu sở tại, 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hạt điều chế biến sang Canada tiếp tục tăng (14,8%) so với cùng kỳ năm 2021, đạt 24,3 triệu USD. Dự kiến cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hạt điều chế biến của Việt Nam sang Canada sẽ đạt trên 30 triệu USD.

Tuy nhiên, đặc điểm nổi bật của thị trường hạt chế biến của Canada là do các nhà sản xuất Canada nắm giữ. Các nhà sản xuất Canada nhập nguyên liệu thô từ các nước và chế biến, đóng gói, một phần tiêu thụ trong nước và một phần xuất khẩu sang Hoa Kỳ, các nước vùng Caribe và Pháp. Năm 2021, giá trị xuất khẩu hạt chế biến của Canada lên đến 174 triệu USD, trong khi cách đây 10 năm, con số này mới là 29 triệu USD. Trong giá trị xuất khẩu hạt chế biến, xuất khẩu điều chế biến của Canada chiếm 7,5%, tương đương 13 triệu USD (1.500 tấn).

Đối với nhân hạt điều bóc vỏ (mã HS 080132), Việt Nam là nước có thị phần chủ yếu và ổn định qua các năm, không có nhiều cạnh tranh (78-79%). Các nước khác cũng xuất khẩu hạt điều vào Canada là Brazil, Cote d’Ivoire, Ghana, Mozambique, Ấn Độ. Ngoại trừ Brazil có thị phần 10%, các nước khác có thị phần không đáng kể. Theo số liệu sở tại, năm 2012, Canada chỉ nhập 73 triệu USD giá trị nhân hạt điều thô, con số này đã lên đến 120 triệu USD vào năm 2017 và đạt đỉnh gần 130 triệu USD vào năm 2018. Tuy nhiên sau đó, nhu cầu của thị trường sụt giảm, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường cũng giảm. Năm 2021, Việt Nam chỉ xuất khẩu được 86 triệu USD, giảm 14% so với năm 2018. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất được 68,7 triệu USD, tuy nhiên, dự báo, nhu cầu của thị trường chỉ tương đương hoặc còn thấp hơn mức năm 2021, vì vậy xuất khẩu nhân hạt điều thô vào thị trường năm 2022 chỉ đạt tương đương 86 triệu USD trong kịch bản lạc quan nhất.

Ngoài hạt điều bóc vỏ, hàng năm Canada cũng nhập một lượng không đáng kể điều chưa bóc vỏ từ Việt Nam. Đối với mặt hàng này (mã HS 080131), Việt Nam cũng là nước có thị phần chủ yếu (95%). Giá trị xuất điều chưa bóc vỏ năm 2021 đạt gần 800.000 USD. Trong 9 tháng đầu năm 2022, nhu cầu nhập khẩu của Canada với mặt hàng này tăng đột biến (160% so với cùng kỳ năm 2021); đến nay, Canada đã nhập 1,38 triệu USD giá trị điều nhân nguyên vỏ từ Việt Nam. 

Thị trường tiềm năng và cơ hội cho ngành hạt điều

Tổng hợp từ các số liệu sở tại cho thấy trung bình mỗi năm Canada nhập khoảng 17-18.000 tấn. Mỗi tháng nhập khẩu bình quân 1.300 tấn. Giá bình quân trong năm 2021 đạt gần 7.000 USD/tấn nhân. Mức giá này tăng mạnh so với giá năm 2020 do giá vận chuyển tăng cao. Ba trung tâm chế biến hạt điều lớn nhất của Canada là Quebec (Montreal), Ontario (Toronto) và Bristish Colombia (Vancouver). Sau khi chế biến, giá hạt điều trung bình là 9800 USD/tấn, tức khoảng 10-12 USD/kg. Giá hạt điều chế biến xuất đi từ Canada trung bình là 12.000 USD/tấn.

Nhìn chung, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang địa bàn đã bước vào giai đoạn ổn định, thậm chí có xu hướng giảm. Đã có những giai đoạn, hạt điều nằm trong top 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất vào địa bàn (top 7 trong các năm 2015-2018 rồi giảm xuống top 9 năm 2019-2020). Trong năm 2021, hạt điều chỉ chiếm vị trí thứ 14 trong các mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam vào địa bàn. Về cơ cấu, gần 75% xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang địa bàn vẫn là xuất thô (mã HS 080132) chỉ có 25% là qua chế biến sâu. Điều đáng mừng là mặc dù thị trường giảm nhập khẩu về lượng nhập khẩu nhưng do giá tăng cao nên kim ngạch xuất khẩu 2021 vẫn cao hơn năm 2020. Xu hướng này tiếp tục diễn ra trong năm 2022. Hơn nữa, thị trường có xu hướng nhập khẩu tăng với sản phẩm hạt điều chế biến (mã HS 200819), với mức tăng trưởng trong kỳ 2018-2021 lên đến 51% và gần 15% trong năm 9 tháng đầu 2022. Sự sụt giảm nhập khẩu điều thô và tăng nhập khẩu điều chế biến cho thấy, yếu tố lạm phát của địa bàn không tác động nhiều đến nhu cầu tiêu dùng của người sở tại.

Với chất lượng tốt, các doanh nghiệp Canada vẫn ưu tiên mua điều nguyên liệu và điều chế biến từ Việt Nam dù giá cao hơn. Vì vậy, cho dù thị trường sở tại không ổn định về cầu (biến động nhiều qua các năm), dự báo, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam vào địa bàn sẽ ổn định quanh 115-120 triệu USD/năm cho cả điều nguyên liệu và điều chế biến. Tuy nhiên thị trường yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm (bao gồm tỷ lệ tạp chất, vết sâu bệnh trên bề mặt hạt, độ đồng nhất của sản phẩm về mùi vị và màu sắc). Vấn đề dư lượng chất bảo quản cũng là việc cần lưu ý để tránh hàng bị trả lại không được thông quan. Quy trình nhập khẩu hạt điều cũng tương tự như các sản phẩm thực phẩm khác.

Về dài hạn, do chi phí nhân công ở Canada ngày một tăng, nhiều khả năng các doanh nghiệp chế biến và đóng gói hạt điều lớn của Canada như Basse, Kirkland sẽ chuyển dịch mắt xích sản xuất cho Việt Nam để gia công cho thương hiệu của họ. Công ty Dan D Park của Canada đã đi đầu trong xu hướng này và hoàn toàn sản xuất tại Việt Nam cho thương hiệu của Dan D Park và các thương hiệu mà công ty này gia công.

Ở góc độ tiêu dùng, người tiêu dùng Canada khá ưa chuộng hạt điều so với cá loại hạt khác vì cho rằng hạt điều chứa nhiều chất chống oxi hoá, nhiều vitamin và chất béo tốt cho tim mạch, mắt. Là một loại hạt tốt để giảm cân, người tiêu dùng Canada thường lựa chọn hạt điều để thay thế bữa ăn. Tuy nhiên, người tiêu dùng Canada thường có xu hướng lựa chọn các gói hạt tổng hợp để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng tuyệt đối và ngon miệng, dễ ăn. Nhiều sản phẩm sản xuất tại Canada đã đi theo hướng trộn hạt điều với hạt hạnh nhân, hạt mắc ca, hạt điều Brazil; hoặc trộng hạt điều với trái cây khô như dứa sấy, thanh long sấy, nho và bluberry sấy. Người tiêu dùng Canada quan tâm nhiều đến sản phẩm hữu cơ và các chứng chỉ xác nhận quy trình sản xuất xanh, bền vững, và công bằng (bình đẳng giới) của doanh nghiệp. Ngoài ra, người tiêu dùng Canada cũng rất quan tâm đến cách thức đóng gói và bảo quản (hút chân không, bao bì có khả năng tái chế). 

Trong vụ việc môi giới hạt điều Kim Hạnh Việt, địa bàn Canada cũng có một doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Canada (Vancouver) nghi ngờ bị lừa đảo, chiếm đoạt. Vụ việc phát sinh vào tháng 4/2022, khi ngân hàng của doanh nghiệp Việt Nam phát cảnh báo về bộ chứng từ nhờ thu gửi đi Canada, theo đó, không biết bằng cách gì, doanh nghiệp nhập khẩu đã lấy được chứng từ và lấy hàng, trong khi ngân hàng thu hộ không phản hồi các điện SWIFT. Nói cách khác, ngân hàng thu hộ không thực hiện đúng trách nhiệm của ngân hàng thu hộ và để cho người "mua" nhận hàng mà không thanh toán. Ngay sau khi nhận được phản ảnh của doanh nghiệp và trên cơ sở trao đổi với doanh nghiệp, Thương vụ đã có báo cáo với Đại sứ nhằm chuẩn bị tình huống xấu nhất là khách hàng Canada cũng trong đường dây lừa đảo để Đại sứ quán Việt Nam tại Canada có công hàm đề nghị Interpol Canada, các cơ quan chức năng tại Vancouver phối hợp bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam. Cùng lúc, Thương vụ đã phối hợp với doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ liên lạc với doanh nghiệp nhập khẩu tại Vancouver để xác minh cụ thể đây có phải là hành vi chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp Việt Nam. Lúc đầu, doanh nghiệp Canada thừa nhận đã lấy hàng và để hàng ở kho của mình nhưng yêu cầu chỉ trả tiền khi có kiểm định của SGS Canada; sau đó chấp nhận để doanh nghiệp Việt Nam cử người đến cùng kiểm định hàng tại kho, nếu chất lượng hàng tốt sẽ trả tiền, nếu không sẽ gửi lại hàng và chịu chi phí chuyển trả hàng. Sau khi thống nhất với doanh nghiệp, Thương vụ sẽ đại diện doanh nghiệp bay đi Vancouver để kiểm định hàng cùng phía doanh nghiệp nhập khẩu. Sau quá trình trao đổi, cuối cùng, doanh nghiệp Canada thông báo sẽ thanh toán tiền cho doanh nghiệp Việt Nam. Trong vụ việc này, rất may cuối cùng doanh nghiệp Việt Nam đã nhận được đầy đủ tiền hàng, tuy nhiên, việc doanh nghiệp Canada vẫn lấy được chứng từ khi chưa thanh toán tiếp tục cho thấy lỗ hổng của hình thức thanh toán DP nếu ngân hàng thu hộ không thực hiện đúng trách nhiệm.

Vì vậy, trước khi xuất hàng, các doanh nghiệp nên tìm văn phòng luật sư hỗ trợ trong việc xây dựng hợp đồng, nhất là các điều khoản thanh toán và giải quyết tranh chấp cũng như trong quá trình giao dịch để tránh rủi ro. Ngoài ra, để đảm bảo xuất khẩu điều của Việt Nam vào thị trường bền vững, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý xây dựng thương hiệu riêng. Hiện nay, hạt điều chủ yếu vẫn xuất thô vào thị trường và gia công, đóng gói tại Canada. Tại các chuỗi bán lẻ, các nhãn hàng của Canada và Hoa Kỳ vẫn là chủ yếu. Các thương hiệu hạt điều Việt vào được thị trường chủ yếu ở dạng bánh kẹo đặc sản, bán tại các cửa hàng châu Á.

TS Trần Thu Quỳnh- Thương vụ Việt Nam tại Canada

Nội dung liên quan