| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Tình hình xuất khẩu giầy dép của Việt Nam trong quý III/2021 và triển vọng trong thời gian tới

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam trong quý III/2021 đạt 2,925 tỷ USD, giảm 47,7% so với quý II/2021, giảm 26,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Nếu xét về số tuyệt đối, trong số các ngành hàng xuất khẩu, giày dép là mặt hàng có kim ngạch sụt giảm mạnh nhất so với quý II/2021, khi giảm 2,67 tỷ USD; so với cùng kỳ năm 2020 thì đứng thứ 2 (sau mặt hàng đá quý, kim loại quý và sản phẩm), khi giảm 1,08 tỷ USD.

Tuy nhiên, do các tháng đầu năm xuất khẩu giày dép vẫn tăng cao nên tính chung 9 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 13,31 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2020 – thấp hơn mức tăng 12,8% của 9 tháng đầu năm 2019 (thời điểm chưa có dịch Covid-19).

Do tác động bởi đại dịch Covid-19 nên tổng số lượng giày dép xuất khẩu của thế giới năm 2020 đạt 12,1 tỷ đôi giảm 19% so với năm trước, đạt 12,1 tỷ đôi – mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành giai đoạn 2016 – 2019 tăng 12,1%/năm, Việt Nam xếp thứ hai thế giới về xuất khẩu giày dép (sau Trung Quốc). Đáng chú ý, Việt Nam là nước xuất khẩu giày vải lớn nhất (về giá trị), vượt xa Trung Quốc.

Tình hình xuất khẩu giầy dép của Việt Nam trong quý III/2021 và triển vọng trong thời gian tới

(Hình ảnh minh họa)

Tính chung trong giai đoạn 2016 – 2020, xuất khẩu giày dép của Việt Nam tăng trưởng bình quân 6,4%/năm. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2020 có xu hướng tăng từ 10,3% trong năm 2016 lên 13,6% trong năm 2020.

Mặt hàng giày dép của Việt Nam đã được xuất khẩu tới hơn 150 thị trường trên thế giới, tập trung ở những thị trường chính như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh…

Trong đó, Mỹ là thị trường nhập khẩu nhiều nhất mặt hàng giày dép các loại của Việt Nam, chiếm tới hơn 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Trước năm 2020, xuất khẩu giày dép sang thị trường Mỹ giữ được nhịp độ tăng trưởng tốt về kim ngạch với tốc độ tăng trưởng trung bình trong giai đoạn 2015 – 2019, đạt 13%/năm.

Năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên xuất khẩu giày dép sang thị trường này giảm, nhưng đã tăng mạnh trở lại trong những tháng đầu năm 2021.

Với việc Mỹ dỡ bỏ những chính sách ưu đãi với giày dép xuất khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ đang tạo cơ hội cạnh tranh thuận lợi hơn cho giày dép xuất khẩu của Việt Nam.

Còn đối với thị trường EU, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 01/8/2020 được coi là động lực lớn nhất cho tăng trưởng của ngành giày dép Việt Nam trong thời gian qua.

Sau khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam sang thị trường EU dần hồi phục trở lại. Giày dép Việt Nam tại EU hiện đang có lợi thế so với các quốc gia cạnh tranh như: Trung Quốc, Myanmar, Ấn Độ và Campuchia…

Trong thời gian tới, các dự báo cho thấy nền kinh tế thế giới đang tiếp tục khởi sắc trở lại, đặc biệt các nền kinh tế lớn của thế giới là Mỹ và EU mở cửa trở lại, thị trường tiêu dùng được phục hồi mạnh mẽ… là cơ hội cho xuất khẩu da giày Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng.

Nội dung liên quan