| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Tăng cơ hội cho hàng Việt Nam tại thị trường châu Âu

Ngày 11/03, Sáng kiến Hỗ trợ Phụ nữ Khởi nghiệp và Kinh doanh (WISE) đã tổ chức hội thảo “Xu hướng tiêu dùng và Tiềm năng của các sản phẩm Việt Nam tại thị trường châu Âu”. Đông đảo đại diện Thương vụ Việt Nam tại các thị trường khu vực châu Âu tham gia hội thảo.

Hội thảo là một phần của chương trình Bootcamp Đào tạo chuyên sâu về Xuất khẩu – Tăng tốc Xuất khẩu #SheExports dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), đặc biệt là các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ do WISE thực hiện.

Trong những năm gần đây, các sản phẩm nông sản Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ về lượng và về chất, có cơ hội cạnh tranh với các nước trong khu vực và tham gia sôi động vào thị trường thương mại toàn cầu. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 2 tháng đầu năm (2022) ước đạt khoảng 8 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong số đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 3,2 tỷ USD, tăng 10,2%. Một số sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng như: cà phê tăng 35,6%; gạo 22,3%; hồ tiêu 43,8%...

Có thể thấy, sau tác động của đại dịch Covid-19 cũng như những biến động trên thị trường thế giới, thời gian gần đây, giá nông sản của thị trường thế giới đang có xu hướng tăng cao, đây là những cơ hội tốt cho xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Ông Bùi Vương Anh – Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Đức chia sẻ, các sản phẩm nông sản chế biến của Việt Nam hoàn toàn tiềm năng và phù hợp với thị trường Đức nói riêng và thị trường Châu Âu nói chung.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2021, Đức là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam trong khối EU với kim ngạch đạt 641,15 triệu USD, tăng mạnh 24,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nông sản khả quan của Việt Nam vào thị trường khó tính bậc nhất tại EU này đang cho thấy chất lượng hàng nông sản của Việt Nam đã được nâng cao và đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của phía đối tác nhập khẩu. Với việc tận dụng tốt các cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Đức dự báo có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn nữa trong những năm tiếp theo.

Xuất khẩu sang EU tiếp tục tăng mạnh

Đối với thị trường Bắc Âu, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý – Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Âu cho hay, người tiêu dùng Bắc Âu vốn đã quan tâm đến môi trường, sau đại dịch, vấn đề này càng được quan tâm nhiều hơn. Người tiêu dùng quan tâm đến các sản phẩm được sản xuất qua các quy trình đảm bảo tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, các sản phẩm bền vững. Đối với nông sản, thực phẩm, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng tiêu thụ thực phẩm hữu cơ. Đối với các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, họ có xu hướng chọn các sản phẩm đơn giản, tiện dụng, dùng được nhiều lần, sử dụng các nguyên vật liệu tái chế.

Để hỗ trợ cho hàng Việt có cơ hội vào thị trường Thuỵ Điển và Na Uy – hai trong số những thị trường tiềm năng ở khu vực Bắc Âu, thực hiện Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại (XTTM) năm 2022, Cục XTTM (Bộ Công Thương) phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm khu vực Bắc Âu) tổ chức Đoàn giao dịch thương mại tại Thụy Điển và Na Uy. Dự kiến, có khoảng 15 đến 20 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia đoàn giao thương trong thời gian từ ngày 17 đến ngày 27 tháng 7 năm 2022 tại Stockholm, Malmo, Gothenburg (Thụy Điển); Oslo (Na Uy). Doanh nghiệp có quan tâm có thể liên hệ với Cục XTTM và Thương vụ để đăng ký tham dự chương trình.

Ngoài ra, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển đang lên kế hoạch kêu gọi đầu tư Trung tâm hàng Việt Nam tại thành phố Malmo, tập trung nhập khẩu hàng Việt Nam số lượng lớn. Từ đó, phân phối, giúp giảm giá thành, đưa hàng Việt Nam hiện diện nhiều hơn tại khu vực Bắc Âu và châu Âu. Trong năm 2022, Hội dự kiến sẽ có chuyến công tác thực tế tại Việt Nam để tìm kiếm nguồn hàng nhập khẩu chất lượng và ổn định vào Thụy Điển.

Đối với thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, đây là một thị trường còn mới mẻ với doanh nghiệp Việt Nam, do vậy, ông Lê Phú Cường – Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam nên lựa chọn và tham gia các hội chợ xúc tiến giao thương phù hợp của nước này để có cơ hội giới thiệu hàng hóa của mình và tiếp xúc, làm quen với khách hàng, đối tác Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong thời gian tới, WISE sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doah nghiệp do nữ làm chủ trong việc nâng cao năng lực xuất khẩu và phát triển sản phẩm cũng như kết nối giao thương, và tiếp cận các chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại để doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường và đưa sản phẩm thương hiệu Việt tới người tiêu dùng châu Âu.

Phương Lan (Báo Công Thương)

Nội dung liên quan