| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Doanh nghiệp Hà Lan hoảng loạn sau đợt bùng nổ giá khí đốt mới vào ngày 27/7

Một đợt bùng nổ mới về giá khí đốt đang tác động mạnh đến các doanh nghiệp Hà Lan. Các nhà kính có thể sẽ không hoạt động vào mùa đông này, các công ty hóa chất sẽ ngừng sản xuất, vật liệu xây dựng sẽ trở nên đắt đỏ đến mức các dự án nhà ở sẽ không còn mang lại lợi nhuận. Hầu hết các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng lớn khi các hợp đồng khí đốt và điện hết hạn vào cuối năm, họ sẽ phải ký hợp đồng mới, với mức giá cao hơn.

Ngày 27/7, giá khí đốt đã đạt đỉnh trên €200 mỗi megawatt giờ. Giá khí đốt hiện đắt gấp hơn chục lần so với mùa hè năm ngoái. Tình trạng bất ổn về nguồn cung cấp khí đốt đã khiến thị trường năng lượng châu Âu bị kìm hãm trong nhiều tuần. Theo các nhà phân tích, do các lựa chọn thay thế cho khí đốt của Nga bị hạn chế, các hợp đồng cung cấp khí đốt trong thời gian hai hoặc ba năm chưa bao giờ đắt như lúc này. Ngày càng có nhiều khách hàng giảm đáng kể mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên bằng cách ngừng các dây chuyền sản xuất, từ các nhà sản xuất gạch và giấy đến các nhà sản xuất nhôm và thép.

Alexander Formsma, chuyên gia năng lượng của Glastuinbouw Nederland, đại diện cho các trang trại nhà kính, cho biết: “Mọi thứ đang diễn ra rất tồi tệ trong một số bộ phận của ngành, người trồng có quyền lựa chọn sẽ để trống nhà kính trong mùa đông này hoặc tắt đèn, có nghĩa là cà chua và dưa chuột sẽ không được trồng trở lại cho đến cuối mùa đông”.

Giá khí đốt lên mức cao kỷ lục

(Hình ảnh mang tính chất minh hoạ)

Ngành công nghiệp hóa chất ở châu Âu cũng đang giảm quy mô. Tập đoàn hóa chất BASF của Đức đang xem xét giảm sản lượng amoniac do giá khí đốt tăng mạnh. Hơn nữa, công ty Na Uy Yara báo cáo tuần trước rằng họ đã giảm sản xuất amoniac 1,3 triệu tấn và sản xuất phân bón 1,7 triệu tấn. Amoniac là một nguyên liệu quan trọng để sản xuất phân bón nhân tạo và nhựa công nghiệp. Kể từ lần tăng chi phí năng lượng đầu tiên vào năm ngoái, các công ty khác nhau ở Hà Lan cũng đã cắt giảm sản lượng. Ví dụ, nhà sản xuất nhôm Aldel ở Groningen, đã có 2/3 sản lượng ngừng sản xuất kể từ tháng 10 năm ngoái.

Theo Gasunie Transport Services, Hà Lan hiện đang sử dụng ít hơn 20% lượng khí đốt tự nhiên so với một năm trước. Một số sản phẩm nhất định sẽ ngày càng trở nên khan hiếm, cụ thể như hóa chất để lọc nước hiện đã rất khan hiếm.

Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan

Nội dung liên quan