| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Ảnh hưởng của chiến tranh Nga-Ucraina đến hoạt động của doanh nghiệp Thụy Sỹ

Ngày 3/3/2022, ABB đã trở thành công ty lớn đầu tiên của Thụy Sỹ thông báo sẽ tạm ngừng kinh doanh với Nga, Ukraine và Belarus. Người phát ngôn của ABB cho biết: “Do sự gián đoạn chuỗi cung ứng và các dịch vụ hậu cần khác, ABB đã tạm dừng nhận các đơn đặt hàng mới cũng như dừng các hoạt động đang bị ảnh hưởng bởi các chuyến hàng đến và ra khỏi Nga, Ukraine và Belarus¨.

Tập đoàn ABB đang vận hành hai cơ sở sản xuất tại Nga, chiếm từ 1-2% doanh thu hàng năm của toàn tập đoàn. ABB là một trong nhiều công ty Thụy Sỹ đang phải chèo lái tình trạng bất ổn ngày càng tăng cùng với cuộc khủng hoảng nhân đạo, đồng thời đảm bảo sự an toàn của nhân viên trong khu vực. Sau làn sóng trừng phạt nhằm cô lập Nga, một số công ty Thụy Sỹ đã công bố kế hoạch ngừng hoặc hạn chế hoạt động kinh doanh trong khu vực.

Công MSC có trụ sở tại Geneva, là công ty vận tải container lớn nhất thế giới, cho biết từ ngày 1/3/2022 đã đình chỉ vô thời hạn tất cả các chuyến hàng từ Nga và đến Nga, không kể vật tư y tế và nhân đạo.

Công ty logistics Thụy Sỹ  Kuehne und Nagel cũng thông báo đình chỉ vô thời hạn tất cả các chuyến hàng nhập khẩu vào Nga, trừ các mặt hàng y tế và nhân đạo.

Hiện chưa thể biết chính xác có bao nhiêu công ty ở Thụy Sỹ bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt kinh tế áp đặt lên Nga. Tuy nhiên Liên đoàn Doanh nghiệp Thụy Sỹ (Economiesuisse) cho rằng các lệnh trừng phạt Nga mà Thụy Sỹ áp dụng cùng với phương Tây sẽ chỉ có tác động nhỏ lên xuất nhập khẩu của nước này, vì Nga chỉ là đối tác thương mại lớn thứ 23 của Thụy Sỹ với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương năm 2021 đạt 5,18 tỷ USD (chiếm 0,74% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Thụy Sỹ).

Theo thống kê, hiện có ít nhất 200 công ty Thụy Sỹ hoạt động ở Nga đăng ký với Trung tâm kinh doanh Thụy Sỹ và Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Moscow, phần lớn trong lĩnh vực dược phẩm, máy móc, đồng hồ và dịch vụ.

Tuy nhiên, một số công ty cũng đang bị ảnh hưởng gián tiếp bởi các lệnh trừng phạt và những hậu quả đối với thị trường và chuỗi cung ứng. Ông Martin Hirzel, chủ tịch của Swissmem, Hiệp hội công nghiệp chế tạo và máy móc Thụy Sỹ, cho biết tại cuộc họp báo thường niên ngày 28/2/2021 rằng việc các ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT có nghĩa là “một khách hàng Nga tiềm năng sẽ không còn khả năng thanh toán nếu không thể thực hiện chuyển khoản qua ngân hàng”. Ông ước tính các biện pháp này sẽ gây tổn hại cho lĩnh vực cơ khí Thụy Sỹ khoảng 900 triệu CHF, là con số xuất khẩu của ngành này sang Nga năm 2021.

Ông Mario Ramo, phó giám đốc quan hệ quốc tế tại Economicsuisse, cho biết “nhiều công ty Thụy Sỹ không muốn “ngồi chờ ” việc áp dụng các biện pháp trừng phạt” và đã bắt đầu chủ động xác định mức độ rủi ro của họ trong khu vực.

Hôm 3/3/2022, tập đoàn đầu tư Solway của Thụy Sỹ, có trụ sở tại bang Zug, thông báo họ sẽ rời khỏi tất cả các dự án đang hoạt động và đầu tư tại Nga. Văn phòng báo chí của Solway cho biết, dự án khai thác vàng ở Viễn Đông của Nga đang trong giai đoạn kết thúc theo kế hoạch của vòng đời dự án. Trước đây, Công ty này cũng đã vận hành một số dự án khai thác mỏ và kim loại ở Nga.

Nhà máy Pobuzhsky của Solway ở miền đông Ukraine, là nhà sản xuất ferronickel duy nhất ở Ucraina và lớn nhất ở châu Âu, đang hoạt động ở mức 50% công suất do chiến tranh. Khoảng 1.690 người làm việc tại nhà máy này. Các chuyến hàng chở quặng xuất phát từ Indonesia và các nơi khác đến Pobuzhsky qua cảng Yuzhny đã bị tạm dừng kể từ ngày 28/2/2022 và ferronickel không được xuất khẩu nữa vì chiến tranh.

Mô hình trung lập như Áo hay Thụy Điển có ý nghĩa như thế nào với Ukraine?

Các công ty Thụy Sỹ khác hoạt động trong khu vực cho biết họ quan tâm trước hết đến sự an toàn của nhân viên và họ đang tuân thủ tất cả các lệnh trừng phạt quốc tế và đang theo dõi tình hình khu vực chặt chẽ.

Khu vực Nga-Ucraina đặc biệt quan trọng đối với ngành dược phẩm của Thụy Sỹ. Việc cung cấp và phân phối thuốc cũng như chẩn đoán được miễn các lệnh trừng phạt và người phát ngôn của tập đoàn dược phẩm Roche cho biết công ty đang làm “mọi thứ có thể để duy trì việc cung cấp và phân phối trong phạm vi khả năng cho phép”.

Roche cho biết thêm rằng công ty đang "tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình tài chính và hy vọng bệnh nhân ở Nga có thể tiếp tục nhận được các loại thuốc và chẩn đoán quan trọng mà họ cần".

Mối quan tâm chính đối với các công ty dược phẩm là cuộc khủng hoảng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các thử nghiệm lâm sàng ở Ukraine và Nga. Roche nhận định: “Ưu tiên của chúng tôi vẫn là đảm bảo tất cả các bệnh nhân đang tham gia thử nghiệm lâm sàng ở Nga và Ukraine tiếp tục được tiếp cận với các phương pháp điều trị. Theo Cơ sở dữ liệu thử nghiệm lâm sàng của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), có ít nhất 251 loại thuốc và thiết bị y tế đang được thử nghiệm lâm sàng ở Ukraine. Trong số này, Roche là công ty có nhiều thử nghiệm lâm sàng nhất ở Ukraine với 26 thử nghiệm, trong khi đó ở Nga, Roche có hơn 50 thử nghiệm.

Thụy Sỹ cũng là một trung tâm buôn bán quan trọng đối với nhiều mặt hàng của Nga và Ukraine. Một số công ty thương mại lớn của Thụy Sỹ có cổ phần trong các công ty và dự án thuộc sở hữu nhà nước của Nga. Ngày 2/3/2022, tập đoàn trading đa quốc gia Trafigura thông báo họ đã đóng băng các khoản đầu tư vào Nga và đang đánh giá lại 10% cổ phần của mình trong dự án dầu mỏ lớn có tên Rosneft's Vostok Oil của Nga ở Bắc cực.

Nội dung liên quan