| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Indonesia hạn chế nguồn cung dầu cọ xuất khẩu

Ngày 09/03/2022, Bộ trưởng Thương mại Indonesia ông Muhammad Lutfi tuyên bố trước báo giới nước này sẽ gia tăng tỷ lệ nghĩa vụ cung ứng trong nước (DMO) đối với các công ty xuất khẩu dầu cọ lên 30% tổng lượng sản xuất từ mức hiện nay là 20% và sẽ có hiệu lực trong 6 tháng kể từ ngày 10/3/2022.

Với quyết định này, trong vòng 6 tháng tới nguồn cung dầu cọ xuất khẩu sẽ bị cắt giảm. Theo Bộ trưởng việc gia tăng nghĩa vụ DMO nhằm đảm bảo hoạt động hiệu quả của ngành dầu cọ, tăng nguồn cung nội địa góp phần kiểm soát giá dầu ăn trong nước đang gia tăng mạnh.  

Theo số liệu của Cơ quan thống kê Indonesia, tổng sản lượng dầu cọ của Indonesia năm 2021 đạt 51,3 triệu tấn, trong đó tiêu dùng trong nước là 18,42 triệu tấn (trong đó có 8.95 triệu tấn dùng làm thực phẩm; 2.12 triệu tấn dùng sản xuất các loại hóa chất có gốc dầu và 7,34 triệu tấn dầu diesel sinh học) và xuất khẩu là 32.88 triệu tấn dầu và các sản phẩm dầu với giá trị kim ngạch đạt 35 tỷ USD. Trong năm 2022, Indonesia đề ra mục tiêu sản xuất 52,56 triệu tấn với số lượng xuất khẩu là 34,44 triệu tấn.

 Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu nhóm dầu mỡ động, thực vật từ Indonesia trong năm 2021 là 711,37 triệu USD, tăng 61,4% so với năm 2020. Trong 02 tháng đầu năm 2022, giá trị nhập khẩu nhóm hàng này đạt 63,24 triệu USD, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm trước.

Việc cắt giảm giảm lượng xuất khẩu dầu cọ của Indonesia nhằm ưu tiên bình ổn giá dầu tại thị trường trong nước của Indonesia trong bối cảnh trong bối cảnh sự tăng cao của giá quốc tế (chịu ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Nga-Ucraina hiện nay) đối nhiều nhóm hàng hóa (trong đó có dầu cọ)  chắc chắn sẽ khiến giá quốc tế của mặt hàng này tiếp tục tăng do Indonesia là 01 trong những nước cung ứng dầu CPO hàng đầu thế giới./. 

Nội dung liên quan