| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Thúc đẩy hợp tác thương mại – đầu tư giữa Việt Nam với phía Bắc Ấn Độ

Triển khai các hoạt động kỷ niệm 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ, Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (ASSOCHAM) khu vực phía Bắc tổ chức “Diễn đàn kinh doanh Việt Nam - Ấn Độ” tại Chandigarh - thủ phủ của bang Punjab và Haryana vào ngày 11/3 vừa qua.

Phát biểu tại diễn đàn, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu đã nhấn mạnh mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam và Ấn Độ, Đại sứ cho biết “Ấn Độ là một trong những nước đầu tiên công nhận Việt Nam sau khi giành độc lập năm 1945, thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ cấp Đại sứ quán vào năm 1972, đã được gần 50 năm. Ấn Độ là một trong 3 quốc gia đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam còn Việt Nam là một trong những trụ cột trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ”.

Thông báo về thành tựu trong năm 2020, Đại sứ cho biết Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tăng trưởng GDP dương với tốc độ tăng gần 3%, tổng kim ngạch xuất khẩu nhập đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%. Việt Nam xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao kỷ lục từ trước tới nay. Việt Nam là điểm sáng trên thế giới về công tác phòng chống COVID-19, trải qua 3 làn sóng dịch, Việt Nam chỉ có hơn 2000 ca nhiễm.

Thúc đẩy hợp tác thương mại – đầu tư giữa Việt Nam với phía Bắc Ấn Độ

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ nhấn mạnh: Ấn Độ là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều trên 10 tỷ USD và hai bên phấn đấu nâng kim ngạch lên 15 tỷ trong thời gian sớm nhất. Năm 2020, Việt Nam là đối tác thương mại đứng thứ 17 của Ấn Độ và đứng thứ 4 trong số các nước ASEAN sau Singapore, Indonesia và Malaysia. Sản phẩm xuất khẩu chính từ Ấn Độ sang Việt Nam là sắt thép, thịt và thủy sản, bông, dược phẩm, phụ tùng ô tô và máy móc. Ấn Độ chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam máy móc và thiết bị, điện thoại, hóa chất, đồng, cà phê, sắt và thép.

Về đầu tư, Ấn Độ đầu tư ước tính 1,9 tỷ USD vào Việt Nam tính cả đầu tư qua nước thứ 3. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam, tính đến cuối năm 2020 Ấn Độ có 294 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư khoảng 898 triệu USD, đứng thứ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Lĩnh vực đầu tư chính là năng lượng, khai thác khoáng sản, chế biến nông nghiệp, sản xuất đường, trà, cà phê, hóa chất nông nghiệp, công nghệ thông tin và phụ tùng ô tô.

Với những tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp Ấn Độ tăng cường đầu tư tại Việt Nam với 10 lý do: Vị trí chiến lược của Việt Nam nằm ở trung tâm Đông Nam Á, bờ biển dài và gần nhiều đường vận tải quốc tế; Việt Nam đã ký kết 14 FTA với hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA….; chỉ số thuận lợi trong kinh doanh được cải thiện qua từng năm, năm 2020 đứng thứ 70/190 theo đánh giá của WB; chính sách thu hút đầu tư rộng mở với hầu hết lĩnh vực cho phép đầu tư FDI với các ưu đãi cụ thể về thuế, giá thuê đất và sự vào cuộc của chính quyền các cấp; chi phí thành lập doanh nghiệp thấp, không yêu cầu số vốn đầu tư tối thiểu; tăng trưởng GDP ổn định ở mức cao; hạ tầng phát triển; dân số trẻ với tầng lớp trung lưu chiếm tỷ lệ cao; lực lượng lao động trẻ, qua đào tạo; chi phí lao động cạnh tranh.

Tại diễn đàn, đại diện lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ khu vực phía Bắc, lãnh đạo bang Chandigarh và đại diện các doanh nghiệp Ấn Độ bày tỏ ngưỡng mộ sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm qua; cho rằng Việt Nam là một trong những điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong bối cảnh làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc tiếp tục diễn ra với nhu cầu cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp Ấn Độ tin tưởng với những điểm tương đồng và với việc thiết lập nhiều đường bay thẳng, hai nước Việt Nam và Ấn Độ không chỉ tăng cường về thương mại, đầu tư mà còn giáo dục, giao lưu nhân dân và du lịch. Về các lĩnh vực mà các doanh nghiệp ở Punjab nói chung và Chandigarh nói riêng nhìn thấy cơ hội hợp tác với Việt Nam đó là, nông nghiệp chế biến, công nghệ thông tin, dược phẩm, dệt may và phụ tùng ô tô.

Trong phần trao đổi, hỏi – đáp, Đại sứ Phạm Sanh Châu và đại diện Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã giải đáp nhiều câu hỏi của các doanh nghiệp Ấn Độ về các chính sách khuyến khích đầu tư, khả năng tiến hành các dự án hợp tác đầu tư tại Việt Nam…

 Bùi Trung Thướng

Nội dung liên quan